Nguyên & Trâu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cận kề Tết Tân Sửu, gọi điện cho nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên hỏi xem “đàn trâu” đón năm mới của anh năm nay thế nào, nhấc máy lên là đã thấy Lê Đình Nguyên cười cười nói nói rôm rả và khoe: “Này, bán được 2 con, một con hơn 4 nghìn, một con 6,8 nghìn nhé…”.

Nguyên thuộc về phố lại gắn sự nghiệp với trâu

Nghìn ở đây mà Lê Đình Nguyên nói là “nghìn USD” và “đàn trâu” ở đây không thể cấy cày, không thể thành “đặc sản 12 món” nhưng nó lại khiến người ta có thể thưởng thức cả một bữa tiệc… bằng mắt khi Lê Đình Nguyên trưng ra những con trâu của mình.

Biết. Quen. Thân với nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên đã lâu, hỏi anh đủ thứ chuyện, nhưng không hiểu sao, tôi lại quên hỏi anh rằng vì sao anh lại chọn con trâu, một con vật đa phần nhắc đến người ta đều hình dung về những cánh đồng, những thửa ruộng cấy cày, những gì đó rất nông thôn, trong khi anh lại thuộc về phố.

Trâu gắn với sự nghiệp của Nguyên đến nỗi, cái tên cha sinh mẹ đẻ, gắn liền với hộ khẩu, sổ đỏ, chứng minh thư - Lê Đình Nguyên, phần nào bị bạn bè quên lãng để thay bằng Nguyên Trâu - Trâu viết hoa, chứ không phải là đính kèm trong ngoặc kép. Bạn bè, anh em thân thiết thi thoảng suồng sã gọi là “Trâu Điên” anh cũng ừ, cũng thưa, rất vui vẻ.

Nguyên Trâu vốn thuộc biên chế Nhà hát Múa rối Trung ương, chuyên làm rối nên từng bị gọi là Nguyên “rối”, ngày bé đi học bị gọi là Nguyên “dế”, hơn chục năm trước kể từ dạo ra mắt triển lãm cá nhân “Trâu Nguyên” 2010 tại Gallery 39 Lý Quốc Sư thì “bắt chết” với tên Nguyên Trâu cho tới bây giờ.

Thân trải cả mấy chục triển lãm, nhưng mỗi lần ra mắt, trâu của Nguyên thường mang đến cho người xem những bất ngờ. Trâu qua óc tưởng tượng và bàn tay tài hoa của Nguyên đậm chất dân gian đồng bằng Bắc bộ, sống động, tinh nghịch, thăng hoa, cực kỳ phồn thực và đầy phóng túng.

Dường như, Nguyên Trâu nhìn đâu cũng thấy trâu, thế nên, các tác phẩm của anh mới có nhiều loại trâu đến thế, nào là trâu lá đa, trâu phố, trâu cầu, trâu cối, trâu đàn, trâu tình, trâu nhà. Thấy vài người bạn thân thiết của anh kể rằng, Nguyên Trâu luôn nhận là yêu phụ nữ nhất, nhưng rồi, ngay cả phụ nữ, Nguyên ngắm một lúc thì cũng thành ra… trâu hết cả.

Dịp nọ, Lê Đình Nguyên cùng 15 họa sĩ, nhà điêu khắc khác ở Hà Nội mở triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm”. Thế là một “đàn trâu” mới tinh của Lê Đình Nguyên ra mắt, những con trâu mang dáng vẻ của những ngôi nhà, vừa vững chắc, vừa mềm mại uyển chuyển, vừa bao bọc chở che và ấm áp. Đàn trâu ra mắt, bán vèo vèo, Lê Đình Nguyên cười, nụ cười “được mùa”.

“Làm những thứ thiên hạ chưa làm”

Mỗi “Tân Sửu” của Nguyên là một mái nhà, bên trong mái nhà có ánh lửa của bếp ấm - ở đâu có lửa, có những căn bếp ấm áp thì ở đó luôn có sự sống và cao hơn cả là hạnh phúc và bình yên.

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói về Nguyên Trâu: “Làm những thứ thiên hạ chưa làm”. Lê Đình Nguyên thì tính tình thẳng như ruột ngựa, đôi lần khẳng định: “Tôi không đi theo đít trâu”. Một câu nói có phần bỗ bã nhưng đúng. Anh luôn có một con đường riêng và tự mình khai mở con đường đó.

Mạo muội nhận xét rằng, Nguyên Trâu tính tình rất vui vẻ, tự do, nhiều người bảo tính anh trẻ con, nhưng trái ngược, những tác phẩm “Made in Nguyên Trâu” lại cực kỳ chững chạc, ẩn sâu nhiều tầng ngữ nghĩa.

Hỏi Lê Đình Nguyên là suốt ngày cứ cười hơ hớ thế, lúc nào dành cho việc nghĩ, ý tưởng đến từ đâu. Anh bảo, để có thể có một tác phẩm tốt phải có năng lượng tốt, để có năng lượng tốt buộc phải có một nền tảng văn hóa dày dặn, vững chắc. Để từ đó bước trên con đường thực sự do mình khai mở, không thể chạy theo người khác và làm ra những tác phẩm mà giá trị ngang với món đồ chơi của trẻ con.

Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên

Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên

Kể lại khoảnh khắc ra đời Trâu nhà Tân Sửu, Lê Đình Nguyên vẫn cứ vừa nói vừa cười. Một gallery mở workshop, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham dự: Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Đình Tuấn, Phạm Hà Hải… Khi mọi người đã cho ra những tác phẩm đầu tiên, Lê Đình Nguyên vẫn cứ lững lờ vì “chưa nghĩ ra được cái gì”. Chán quá thì làm tượng Vũ Đình Tuấn, xong xuôi quay ra làm tượng nhà văn Nguyễn Văn Thọ - bạn chí thân của Lê Đình Nguyên. Gallery giục: “Ông kia làm đi, sao cứ đi chơi”. Bị giục thế là dỗi, thôi không làm nữa đi chơi. Nhảy lên xe, phi một mạch tới Tây Bắc, ngồi nhậu la đà từ trưa tới chiều. Ngó xuống thung lũng Mai Châu, những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong trập trùng mây núi, khuất lấp sau những lùm cây rậm rạp, ánh điện sáng lên trong những ngôi nhà đã khiến mắt Lê Đình Nguyên nhòe đi vì tưởng tượng. Đó, những ngôi nhà chính là những đàn trâu đeo mõ lóc cóc ở cổ, chiều xuống no cỏ thong dong trở về chuồng…

“Đàn trâu” của nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên

“Đàn trâu” của nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên

Ý tưởng ập đến trong “phút mốt”. Thấy trâu là tỉnh cả rượu, vội lấy giấy bút ra và vẽ ra những trâu nhà… Và đàn trâu nhà Tân Sửu đã ra đời. Lê Đình Nguyên bảo, những sáng tác kỳ lạ này là trời cho. Và trời cho ngọn nguồn đời sống, cho cả những thăng hoa bất chợt. Những bản, những làng vốn là hiện thực trong mắt người khác, với Nguyên thì thành Trâu - những con trâu được đóng mác “Design by Nguyên Trâu”.