Nguyên nhân thực sự nào khiến Iran từ bỏ thương vụ tiêm kích Su-35?

ANTD.VN - Iran đã từ bỏ thương vụ mua sắm tiêm kích Su-35 với Nga mặc dù rất mong chờ trước đó, vì sao Tehran lại hành động như vậy?

Những lý do dẫn đến thất bại trong hợp đồng mua sắm tiêm kích Su-35 Flanker-E giữa Nga và Iran đã làm bùng nổ một cuộc thảo luận trong giới chuyên gia quân sự quốc tế.

Do phía Nga vẫn giữ im lặng cho nên mọi sự chú ý đều hướng về những tuyên bố từ Lực lượng vũ trang Iran, cũng như các báo chí truyền thông của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đáng chú ý là mới đây nhà báo nổi tiếng người Iran Xayal Muazzin (phóng viên tự do của hãng tin Lenta từ năm 2020) đã giải thích lý do khiến Tehran từ bỏ chiếc tiêm kích tối tân mà họ từng đặt rất nhiều hy vọng.

Theo ông Muazzin, Tehran muốn Moskva chuyển giao một số công nghệ để Iran có thể độc lập sản xuất các phụ tùng thay thế cần thiết và tiến hành bảo dưỡng máy bay mà không cần sự trợ giúp từ phía Nga.

Tuy nhiên Moskva không sẵn sàng chia sẻ những công nghệ nói trên do liên quan đến bí mật quốc phòng, ngoài ra còn để Iran không thể can thiệp vào thương mại quân sự của Nga sau này.

Tiếp theo, Iran đã yêu cầu Nga cung cấp thiết bị mô phỏng kỹ thuật số cho tiêm kích Su-35SE như một phần của hợp đồng để tạo thuận lợi cho việc đào tạo phi công tại chỗ, nhưng Moskva cũng từ chối Tehran điều này.

Nhà báo Muazzin nhấn mạnh rằng Nga không có ý định sản xuất thêm các máy bay chiến đấu Su-35SE để xuất khẩu ngoài lô 24 chiếc trước đây của Ai Cập mà họ định giao cho Iran.

Các tiêm kích Su-35S mà Không quân Nga nhận trong thời gian gần đây bị cho là bản hạ thấp tính năng so với Su-35SE dành cho xuất khẩu nhằm đáp ứng đòi hỏi từ chiến trường, đồng thời cũng vượt qua khó khăn do thiếu linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài.

Con số 24 tiêm kích Su-35SE là không đủ đối với Iran khi nước Cộng hòa Hồi giáo muốn nhận ít nhất 64 chiếc để "thay máu" hoàn toàn lực lượng không quân, khi các chiến đấu cơ F-14 Tomcat, F-4E Phantom 2 và cả MiG-29 đã quá cũ.

"Do Nga không chấp nhận chia sẻ công nghệ, hoặc ít nhất là cung cấp những thành phần thiết yếu theo yêu cầu của Iran mà thương vụ đã bị hủy bỏ", nhà báo Xayal Muazzin tổng kết.

Cần nhắc lại, trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Chuẩn tướng Muhammad-Reza Garaei Ashtiani xác nhận thỏa thuận mua tiêm kích Su-35 được chờ đợi từ lâu đã không diễn ra.

Thông tin trên được ông Ashtiani đưa ra trên kênh truyền hình quốc gia Iran để trả lời câu hỏi về tình trạng của một thỏa thuận được cho là đã thực hiện xong vào năm ngoái.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết nước này có khả năng tự sản xuất máy bay chiến đấu, điều đó cho thấy đã có sự thay đổi trong kế hoạch mua sắm tiêm kích nước ngoài.

Để giải đáp thắc mắc, ông Ashtiani phát biểu: "Tại một thời điểm nào đó, chúng tôi đã thỏa thuận mua bán, nhưng chúng tôi đi đến kết luận rằng Iran có khả năng tự sản xuất máy bay chiến đấu trong nước".

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng lưu ý rằng các nhà chức trách "đang nghiên cứu tình hình" và có thể xem xét lại quyết định nếu họ thấy cần thiết, nhưng hiện tại ưu tiên vẫn là sản xuất tiêm kích nội địa.

Năm 2018, Iran tuyên bố bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu Kowsar để trang bị cho lực lượng không quân. Một số chuyên gia quân sự cho rằng chiếc máy bay này thực chất là bản sao của F-5, được sản xuất tại Mỹ vào những năm 1960.