- Nhiều phụ nữ sập bẫy trước "mồi nhử" được đóng phim người lớn
- Tống tiền qua mạng gia tăng tại Anh
- Lộ ảnh nhạy cảm của Tổng thống Pháp, 5 nhân viên mất việc
Thói quen hàng ngày của bà Maria Teresa Giglio, năm nay 58 tuổi là vào công cụ tìm kiếm trên Internet gõ tên của con gái mình: Tiziana Cantone. Sau đó, bà sẽ lùng sục các trang web có ảnh của Tiziana hay các kênh, trang cá nhân vẫn lưu trữ video của Tiziana, người con gái duy nhất của bà đã mất hồi tháng 9-2016 để đấu tranh cho “quyền được lãng quên”.
Bà Maria Teresa Giglio khóc ngất trong đám tang con gái Tiziana Cantone
Cái chết thương tâm của cô gái trẻ
Ba năm trước, Tiziana, cô gái sinh năm 1983, quản lý nhân sự tại doanh nghiệp gia đình ở Naples có gửi một số đoạn video nhạy cảm đến 5 người qua ứng dụng nhắn tin đa nền tảng WhatsApp. Đó là hình ảnh cô gái này quan hệ cùng lúc với nhiều người đàn ông. Một trong số 5 người nhận đoạn video này có Sergio Di Palo, bạn trai cũ của Tiziana.
Trong vài tuần, các clip được chia sẻ khắp mạng WhatsApp cũng như các website người lớn với đồn đoán: Liệu có phải Tiziana cố ý gửi cho Di Palo? Di Palo hay người nào khác đã tải lên mạng sau khi cặp đôi đã chia tay? Tiziana muốn trở thành một ngôi sao khiêu dâm?
Rõ ràng những hình ảnh đó được đưa lên mạng mà không có sự đồng ý của cô. Không hiểu sao người ta biết địa chỉ email của Tiziana và gửi đến những lời thóa mạ, đe dọa. Gặp cô ở trung tâm mua sắm, mọi người dừng lại nhìn cô chằm chằm rồi lấy điện thoại chụp hình người phụ nữ đang “nổi như cồn” trên mạng.
Không chịu nổi áp lực, Tiziana đã về nhà với mẹ mình ở Mugnano di Napoli, một thị trấn xa xôi ngoại ô Naples. Bà Maria nhận thấy dấu hiệu đáng lo ngay khi Tiziana trở về nhà. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy con gái ở trong trạng thái đó. Nó nhợt nhạt, người bầm tím và tôi muốn đưa con đến bệnh viện. Con bé không muốn, chỉ nói: “Mẹ làm ơn để con ở nhà, con chỉ muốn ở nhà mình thôi”.
Bà Maria kể, mối quan hệ của hai mẹ con thay đổi khi Tiziana gặp Sergio Di Palo, rồi bắt đầu hẹn hò vào năm 2014. Đó là mối quan hệ “không ổn định”, Tiziana từng thừa nhận cô cảm thấy hay căng thẳng, lo lắng. Tháng 8-2014, Tiziana từ chối đi nghỉ cùng gia đình, một quyết định mà bà Maria tin là do kết quả của việc bị Di Palo kiểm soát. Bà Maria tin rằng thời điểm ghi lại đoạn băng đó, con gái mình đã chịu ảnh hưởng của ma túy.
Không thể ngăn chặn các đoạn video cũng như hệ lụy từ chúng, Tiziana quyết định hành động pháp lý chống lại bạn trai cũ, các công ty công nghệ và chính quyền địa phương vì cho phép chia sẻ video, để mình có thể trở lại cuộc sống bình thường. Ngày 5-9-2016, Tiziana đã thắng kiện tại tòa, giành “quyền được lãng quên”, do Liên minh châu Âu cho phép mọi người được quyền yêu cầu xóa các liên kết từ các công cụ tìm kiếm và các trang web gắn với thông tin cá nhân của mình.
Tòa án đã yêu cầu gỡ bỏ các video có liên quan đến Tiziana trên Google và Facebook. Tuy nhiên, niềm vui của gia đình khá ngắn ngủi. Tòa án cũng buộc Tiziana phải trả 20.000 euro chi phí pháp lý. Một tuần sau đó, cô đã tự vẫn.
Cuộc chiến pháp lý của người mẹ
Chiều 13-9-2016, em gái bà Maria đến phòng Tiziana thì phát hiện cô đã chết. Tang lễ của Tiziana được truyền hình trực tiếp, bà Maria dường như không thể vượt qua nỗi đau mất con, người ta phải dìu bà vào làm lễ trong nhà thờ. Gần 2 năm qua, vụ việc liên quan đến Tiziana đã lắng xuống, nhưng đối với bà Maria, cái chết của con gái chỉ là sự khởi đầu.
Trong khi các trang web như Google và Facebook nhanh chóng loại bỏ các kết quả tìm kiếm cùng bản sao của chúng liên quan đến Tiziana như là trách nhiệm của họ trong thực thi luật về “quyền được lãng quên” thì vẫn còn những công ty công nghệ chậm chạp, thậm chí chây ỳ trong thực hiện lệnh tòa án. Về cái chết của con gái mình, bà Maria cho rằng đó là do tốc độ lây lan của các video và sự chậm chạp trong loại bỏ những đoạn clip độc hại này. Bà cho rằng, trong một số trường hợp, yêu cầu về “quyền được lãng quên” phải được các công ty công nghệ xử lý nhanh hơn, nhất là khi cuộc sống cá nhân đứng trước nguy cơ bị hủy hoại như con gái bà.
Sau cái chết của Tiziana, các công tố viên ở Naples đã mở một cuộc điều tra về “kích động tự sát”, một tội hình sự thường áp dụng với những cái chết âm thầm hay trường hợp bị bắt nạt một cách cực đoan như Tiziana. 4 người đàn ông đã bị thẩm vấn, trong đó có bạn trai cũ của cô, Di Palo. Cùng lúc, luật sư của bà Maria đã đề nghị Apple để được cấp quyền truy cập vào chiếc iPhone đã bị khóa của Tiziana với hy vọng xác định ai là người đầu tiên chia sẻ các đoạn video đó, nhưng nỗ lực này thất bại. Tháng 12 năm ngoái, tòa án phán quyết không ai có tội trong việc kích động Tiziana tự tử.
Mặc dù vậy, hiện giờ bà Maria Teresa Giglio vẫn tiếp tục quét trên Internet tên con gái bởi những đoạn video vẫn còn tồn tại trên một số trang của người lớn. Bà Maria cũng đang làm việc với một công ty luật và Cristian Nardi, một chuyên gia an ninh mạng trong việc theo đuổi thủ tục pháp lý chống lại Facebook Italy. Một cuộc điều tra của văn phòng công tố thành phố cho rằng công ty này đã giúp cho việc phát tán video nhạy cảm nói trên. “Các công ty công nghệ ở đây không muốn hoặc không thể loại bỏ nhanh chóng các nội dung yêu cầu để bảo vệ sự riêng tư của nạn nhân. Các quy trình pháp lý hiện tại chỉ đơn giản là quá chậm, và nếu không thay đổi, chuyện như đã xảy ra với Tiziana có thể còn lặp lại”, chuyên gia Cristian Nadi nói.
Công cụ để ngăn chặn bi kịch tương tự
“Quyền được lãng quên” dựa trên ý tưởng sự riêng tư của mỗi cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi những nội dung độc hại gắn với tên tuổi họ qua tìm kiếm thông tin cá nhân trên internet. Tòa án Công lý châu Âu phê chuẩn quy định này vào năm 2014 sau khi một người đàn ông Tây Ban Nha, Mario Costeja González, yêu cầu Google xóa thông tin về lịch sử tài chính của mình. Kể từ đó, Google cho biết đã nhận được hơn 655.000 yêu cầu, trong đó có gần 34.000 yêu cầu từ các chính trị gia và quan chức Chính phủ trong vòng 2 năm qua.
Ngày 25-5-2018, “quyền được lãng quên” được nâng cấp khi Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung của EU chính thức có hiệu lực. Đây được coi là đạo luật bảo vệ quyền riêng tư sâu rộng nhằm hạn chế việc các công ty sử dụng và thu thập dữ liệu của công dân châu Âu. Các công ty công nghệ sẽ phải cụ thể hóa và minh bạch với người dùng về kế hoạch sử dụng thông tin cá nhân người dùng cũng như tiết lộ dữ liệu nào đang được lưu trữ. Luật cũng cho phép người dùng quyền yêu cầu xóa dữ liệu, bao gồm bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhận dạng của một người như tên tuổi, hình ảnh, các bài viết trên mạng xã hội, giống như những gì Tiziana từng đấu tranh để bảo vệ mình.
Khi một đề nghị như vậy được chấp thuận, bất kỳ công ty hoặc tổ chức nắm giữ hoặc xử lý dữ liệu ở châu Âu (cho dù có trụ sở tại EU hay không) sẽ phải loại bỏ thông tin được yêu cầu mà không “chậm trễ” (dù thời gian “chậm trễ” vẫn chưa được làm rõ.) Nếu không thực thi nhanh chóng, công ty đó sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 20 triệu euro, hoặc 4% tổng doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Đối với Google và Facebook, nếu vi phạm, mức phạt này có thể đạt tới con số tỷ đô.
Không ai có thể đảm bảo rằng những quy định nghiêm ngặt mới sẽ ngăn chặn được bi kịch tương tự như Tiziana trong tương lai. Nhưng nhiều người hy vọng điều đó sẽ giúp các vụ kiện tương tự đang bị kéo dài và tốn kém hiện nay sẽ sớm được giải quyết.
“Các công ty công nghệ không muốn hoặc không thể loại bỏ nhanh chóng các nội dung yêu cầu để bảo vệ sự riêng tư của nạn nhân. Các quy trình pháp lý hiện tại chỉ đơn giản là quá chậm, và nếu không thay đổi, chuyện như đã xảy ra với Tiziana có thể còn lặp lại”,
Cristian Nadi (Chuyên gia an ninh mạng Italy)