Lầu Năm Góc đã phải viện dẫn một lập luận đặc biệt nhằm giúp dự án tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của mình thoát khỏi cảnh bị đóng cửa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo ghi nhận, sau khi Liên Xô tan rã dẫn tới kết thúc Chiến tranh Lạnh, để tiếp tục duy trì dự án tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, lúc đó được thực hiện dưới tên gọi YF-22, Lầu Năm Góc đã phải viện dẫn một đối thủ tiềm tàng.
Cụ thể, sức mạnh phòng không của Syria - quốc gia vào thời điểm đó đã sở hữu số lượng đáng kể các tổ hợp S-200 và Buk mua từ Nga đã được Washington mang ra để biện minh cho sự cần thiết của tiêm kích tàng hình F-22.
Chính điều này đã giúp dự án F-22 về đích, mặc dù tổng chi phí lên tới 74 tỷ USD, cổng thông tin The War Zone (TWZ) cho biết sau khi tham khảo hồi ký của người đứng đầu Ban Thư ký Không quân Mỹ (Bộ trưởng Không quân) Frank Kendall.
Ấn phẩm TWZ lưu ý rằng ông Frank Kendall là một trong những người tham gia xây dựng các yêu cầu đối với chương trình Tiêm kích chiến thuật tiên tiến (ATF), dự án này đã dẫn đến việc tạo ra chiếc F-22 Raptor.
Kết quả cuối cùng của dự án ATF được đưa ra vào năm 1991, đúng vào thời điểm Liên Xô tan rã, tức là đối thủ chính của Mỹ đã không còn, đồng nghĩa với đối tượng tác chiến của tiêm kích thế hệ thứ năm cũng bị loại bỏ, dẫn đến câu hỏi về sự cần thiết phải tiếp tục chế tạo.
Tại thời điểm này, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ phải đối mặt với một tình thế thực sự khó khăn, nhất là khi họ vừa lựa chọn sản phẩm YF-22 của Lockheed Martin thay vì YF-23 của Northrop.
Nếu không tìm được lập luận chứng minh sự cần thiết của F-22 Raptor, toàn bộ chương trình ATF sẽ bị đóng cửa, bởi vì bây giờ mọi khoản đầu tư đều bị nhận xét là không chính đáng.
Nhưng thật bất ngờ khi ông Kendall đã đưa ra ví dụ cụ thể về Syria, với lời giới thiệu đây là một quốc gia có mạng lưới phòng không đáng sợ với các tổ hợp tên lửa tối tân do Liên Xô cung cấp, sẽ gây ra nguy cơ lớn với Không quân Mỹ ở Trung Đông.
Lập luận này thực sự đã thu hút sự quan tâm của giới chính trị và quân sự tại Mỹ, sự ủng hộ đặc biệt còn đến từ người đứng đầu Lầu Năm Góc khi đó là ông Dick Cheney.
Lập luận về Syria và lực lượng phòng không của nước này mặc dù có vẻ khá miễn cưỡng nhưng lại đủ để thuyết phục các nghị sĩ Mỹ rằng dự án F-22 cần được duy trì, thỏa hiệp là đơn đặt hàng bị cắt giảm xuống chỉ còn 187 chiếc.
Một điều rất đặc biệt đó là lần tham chiến thực sự đầu tiên của F-22 lại là khi nó được sử dụng trên chính bầu trời Syria vào năm 2014, để tấn công phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng luận điểm về phòng không Syria được Bộ trưởng Không quân Mỹ nêu ra còn nhằm minh họa về mức độ cần thiết mà Lầu Năm Góc nên đầu tư vào khả năng của máy bay tấn công.
Điều này vẫn còn giá trị vào thời điểm hiện tại, khi Lầu Năm Góc đang phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu những đối thủ mạnh hơn Syria rất nhiều, và tất nhiên đối tượng chỉ có thể là Nga và Trung Quốc.