Năm 1939, một thanh niên người London tên Nicholas Winton đã đến Prague, Tiệp Khắc thời điểm châu Âu đang ở bờ vực chiến tranh và âm thầm cứu được 669 trẻ em, chủ yếu là người Do Thái trước nguy cơ gần như chắc chắn bị thủ tiêu.
Lìa xa gia đình tới London, 669 trẻ em Do Thái may mắn giữ được mạng sống
Linh cảm bên miệng hố chiến tranh
Năm 1938, Hiệp định Munich đã mở đường cho quân đội Hitler tiến vào Tiệp Khắc mà không gặp sự kháng cự nào. Ngày 1-10-1938, quân đội Đức quốc xã chiếm Sudetenland, khu vực nói tiếng Đức ở Tiệp Khắc. Prague, Thủ đô Tiệp Khắc không khí nặng nề bao trùm. Những bậc phụ huynh ở đây, chủ yếu là người Do Thái, cảm nhận cuộc chiến đến rất gần và muốn gửi con cái ra nước ngoài. Tại London, chàng trai Nicholas Winton 29 tuổi đã theo dõi sự kiện và biết rằng người dân ở đất nước bên miệng hố chiến tranh đang trong tình trạng quẫn bách. Nhận được cuộc gọi của một người bạn nhờ ông giúp do bị kẹt ở Prague, Winton lên đường sang Tiệp Khắc.
Đoàn làm phim của kênh truyền hình CBSnews của Mỹ giữa năm 2014 có làm một phim tài liệu xung quanh câu chuyện này và tiếp cận những nhân chứng ít ỏi còn sống từ những ngày ấy. Nhân vật trung tâm là “người hùng” Nicholas Winton, dù đã 105 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, triết lý và ký ức của ông về những chuyến tàu sơ tán trẻ em những năm 1939 đó vẫn còn vẹn nguyên. “Điều gì khiến ông nghĩ rằng ông có thể giúp đỡ những người đang mắc kẹt tại đó?”, trước câu hỏi này, ông Nicholas Winton từ tốn đáp: “Tôi sống với phương châm, nếu việc gì không phải là không thể, phải tìm được một giải pháp”.
Trở lại thời điểm cách đây tròn 70 năm, Winton, người gốc Do Thái, vốn có cuộc sống tốt nhờ sự nghiệp môi giới chứng khoán thành công đã tận mắt chứng kiến các khu trại của dân tị nạn ở Prague. Khi ấy, ông linh cảm rằng cánh cửa dành cho những người tị nạn này đã đóng, đặc biệt là với trẻ em.
Khi tổ chức các chuyến tàu sơ tán trẻ em, Nicholas Winton mới 29 tuổi
Nhiệt huyết tuổi trẻ
Tiến sĩ David Silberklang, người Israel, nhà sử học có tiếng về nạn diệt chủng thời Đức quốc xã cho biết: Trong lúc lưu lại thành phố Prague, Winton chợt nảy ra một ý, làm sao tổ chức đưa những người tị nạn, đặc biệt là trẻ em ra khỏi đây? Chưa từng có kinh nghiệm nhưng Winton đã lập một tổ chức nhỏ với mục đích tập hợp được nhiều trẻ càng nhanh càng tốt. Số người đến với ông tăng dần. Thức đến 2h sáng, chỉ chợp mắt một lát rồi ông lại dậy sớm tiếp khách. Càng nhiều người đến thỉnh cầu: “Hãy đưa con tôi đi”.
Khi về London, Winton đã có một danh sách hàng trăm trẻ và đặt vấn đề với chính quyền Anh với tư cách là chủ tịch một tổ chức về người tị nạn. Tổ chức “Children Section” mở văn phòng nhỏ ở trung tâm London. Mẹ Winton là người phụ trách. Các nhân viên đều là tình nguyện viên. Trong ngày, Winton vẫn đi làm bình thường, chỉ đến tối ông mới vật lộn với dự án của mình. Khi Nicholas Winton viết thư gửi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đề nghị giúp đỡ thì được một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại London hồi đáp rằng nước Mỹ “không thể”. Nhà chức trách Anh đã đồng ý, nhưng với điều kiện Winton phải tìm được các gia đình sẵn sàng nhận trẻ làm con nuôi. Do thời gian gấp, thủ tục hành chính chậm chạp, Winton thậm chí phải giả mạo giấy tờ và rải tiền cho công việc được suôn sẻ.
20 trẻ đầu tiên rời Prague ngày 14-3-1939. Sang ngày hôm sau, quân đội Đức chiếm đóng Prague và phần còn lại của Tiệp Khắc. Trước khi tiến hành đàn áp người Do Thái, đội quân phát xít đã mở chiến dịch tịch thu tài sản và lao động cưỡng bức. Nhưng có một may mắn là Đức quốc xã khi ấy cho phép tàu của Winton rời đi do phù hợp với chính sách “quét sạch” người Do Thái ở châu Âu của chúng.
Sir Nicholas Winton (ngoài cùng bên phải, hàng trên)
đoàn tụ cùng một số “trẻ” được ông cứu năm 1939
7 chuyến tàu sơ tán trẻ em
Qua mùa xuân và mùa hè năm 1939, 7 chuyến tàu hỏa đã đưa hơn 600 trẻ em Do Thái từ trung tâm của Đức quốc xã tới Hà Lan, sau đó các em được chuyển sang phà đến bờ biển Anh rồi lại bắt tàu đến London. Nhiều bậc cha mẹ tiễn con đi mà phải nói dối là các con hãy đến Anh chừng 2-3 tháng rồi đợi cha mẹ cùng đoàn tụ. Ấy vậy mà nhiều đứa trẻ thời ấy đã chờ mãi và không còn dịp nào gặp lại được cha mẹ mình nữa.
Chuyến tàu thứ tám chở hơn 250 đứa trẻ lẽ ra sẽ rời Prague vào ngày 1-9 nhưng hôm đó, Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Ông Nicholas Winton nhớ lại: “Tất cả đoàn đều đã đợi sẵn ở nhà ga, thậm chí đã lên tàu để đi nhưng Đức quốc xã tuyên bố chiến tranh, nên tàu không thể đi được. Tôi không biết số phận những đứa trẻ đó ra sao”.
Hai năm sau chuyến tàu cuối cùng đó, Đức quốc xã bắt đầu thực hiện kế hoạch “Giải pháp cuối cùng” tức là dồn tất cả những người Do Thái ở châu Âu vào lò thiêu. Người Do Thái ở Tiệp Khắc bị đưa vào trại tập trung ở Theresienstadt, một thị trấn nhỏ có một doanh trại cũ cách Prague chừng 1 giờ xe chạy. Trại Theresienstadt có một lối ra duy nhất, đó là đường tàu dẫn về phía đông, mọi người được đưa lên tàu và điểm đến là trại hủy diệt Auschwitz. Khoảng 90.000 người đã lên chuyến tàu một đi không trở lại đó. Trong số đó có gần như tất cả trẻ em mà ông Nicholas Winton đã không kịp đưa đi sơ tán, cha mẹ các em cùng cha mẹ của số trẻ em may mắn đã được đưa tới London. Hiện nay, trên bức tường của Giáo đường Do Thái Pinkas ở Prague có 77.300 tên người Do Thái ở Tiệp Khắc bị diệt chủng trong Thế chiến II.
Nửa thế kỷ giấu kín
Còn Nicholas Winton thì sao? Trong chiến tranh, ông đã tình nguyện tham gia đơn vị cứu thương của Hội Chữ thập đỏ, sau đó đào tạo phi công cho Không quân Hoàng gia Anh. Ông đã kết hôn, lập gia đình và có cuộc sống khá thoải mái. Có điều lạ là gần 50 năm, ông hầu như không nói với bất cứ ai về những điều phi thường mà ông đã làm, chỉ đến khi vợ ông tình cờ tìm thấy một cuốn sổ lưu niệm ghi lại đầy đủ tên tuổi và ảnh của những đứa trẻ trên các chuyến tàu đó. Khi được hỏi lý do, ông chỉ nói: “Tôi thực sự không giữ bí mật, chỉ là không nói ra thôi”.
Năm 1988, đài BBC mời Winton tới dự một chương trình. Khi đó, ông không biết ngồi xung quanh mình là những người ông đã giải cứu. Khi người dẫn chương trình nói: “Xin hỏi ai ở đây đã được Nicholas Winton cứu sống hãy đứng lên”. Ông Winton quay lại nhìn thì thấy khán giả đồng loạt đứng dậy. “Đó là giây phút cảm động nhất trong cuộc đời tôi, đột nhiên tôi đứng trước mặt tất cả những gương mặt mà khi đó không còn là trẻ con nữa”, ông kể. Năm 2003, ông Winton được Nữ hoàng Anh phong tước trở thành Sir Nicholas Winton, còn tháng 11-2014, “người hùng” này đã được nhận huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Czech – Huân chương Sư tử Trắng.
Hành trang con mang đi...
Bà Alice Eberstark, năm nay 89 tuổi, sống ở Bethesda, bang Maryland, nước Mỹ là một trong số trẻ em được ông Winton cứu sống. Năm ấy, Alice 14 tuổi được bố mẹ gửi lên tàu cùng với một chị gái và em gái út. Bà còn nhớ rất rõ, trước khi họ rời nhà, cha bà ngồi trên mép giường, thổn thức mãi. Rõ ràng cha mẹ bà đã tranh luận liệu làm như vậy đúng hay không. Đến giờ, bà Alice còn giữ nguyên những món đồ mà cha mẹ đưa cho trước khi lên tàu tới London. Đó là những chiếc váy do mẹ bà tự may, trong đó có cả chiếc váy ngủ trắng tinh có thêu viền xung quanh. Sau khi lên tàu ngày hôm đó, bà Alice không bao giờ được gặp lại cha mẹ mình nữa. Họ có thể đã chết trong một trại tập trung. “Nhiều người cảm thấy như có tội vì còn sống khi bao người thân phải bỏ mạng, riêng tôi cảm thấy rất biết ơn cha mẹ mình. Quyết gửi con đi là sự can đảm, vì khi ấy mọi người thường nói: Cả nhà cùng đi, hoặc không ai cả. Nếu cha mẹ tôi làm như vậy, chắc gì giờ tôi còn sống”, bà Alice tâm sự khi được gợi lại ký ức đau buồn thời chiến tranh.