Người dùng lo ngại lộ lọt thông tin khi cập nhật sinh trắc học

ANTD.VN -  Có 36% người dùng tham gia một cuộc khảo sát mới đây về sinh trắc học ngân hàng lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin. Trong khi đó, nhiều người dùng khác ủng hộ phương pháp này.

Tỷ lệ người trẻ giao dịch trên 10 triệu đồng/ngày khá cao

Theo khảo sát mới được thực hiện bởi Cốc Cốc, tỉ lệ người dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (bao gồm Internet Banking và Mobile Banking) khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 chiếm tỉ lệ cao nhất với 77,8%.

Nhìn chung, nhóm lao động trẻ có xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Khu vực 2 thành phố “trọng điểm” Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tỉ lệ người dùng cao hơn so với các khu vực khác.

Khảo sát tại thời điểm này, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện đang là hai khu vực có tỉ lệ người dùng thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học thành công tất cả các ngân hàng cao nhất. Khu vực miền Nam (trừ TP Hồ Chí Minh) và khu vực miền Trung có tỉ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác khi có đến gần 30% chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào.

Về trải nghiệm người dùng, có hơn 40% đáp viên cảm thấy quá trình thu thập sinh trắc học là rất dễ dàng/ dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có hơn 30% người dùng cảm thấy việc thực hiện này rất khó khăn/ khó khăn.

Người dùng thường gặp phải các vấn đề liên quan căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn hay thậm chí là phải ra ngân hàng mới thực hiện được.

Khi được hỏi về vấn đề bảo mật thông tin khi áp dụng sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, có hơn 36% người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật, hơn 42% ở trạng thái trung lập và hơn 20% còn lại không lo ngại.

Đặc biệt, có tới 50% người dùng 35-44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác dao động từ 24% - 39%. Người dùng miền Nam cũng thể hiện sự lo ngại cao hơn các khu vực khác với tỉ lệ là 43,6%, trong khi con số này của khu vực miền Bắc là 31,6% và miền Trung là 33,3%.

Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, tuy có khoảng 1/3 người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin nhưng đa số họ đều đồng ý rằng xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến. Theo khảo sát, có gần 70% đáp viên cho biết họ rất đồng ý/ đồng ý với quan điểm này.

Liên quan đến việc cập nhật sinh trắc học, ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước ra quy định yêu cầu áp dụng xác thực sinh trắc học với các giao dịch từ 10 triệu đồng sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo. Tức là, nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn, thực tế vẫn còn nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thuê chính những người này thực hiện việc chuyển tiền cho chúng nên cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Thời gian qua, việc cập nhật sinh trắc học cũng đã bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, liên hệ nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo... từ đó đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân quan trọng.

Khi liên hệ với người dân, các đối tượng yêu cầu cung cấp các dữ liệu cá nhân như địa chỉ nhà, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng...

Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo còn dụ dỗ thực hiện cuộc gọi video nhằm thu thập giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ của nạn nhân. Sau khi thành công đánh cắp dữ liệu, các đối tượng sẽ dễ dàng đăng nhập được vào các ứng dụng ngân hàng, thanh toán trực tuyến nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo cũng dụ dỗ người dân tải về các phần mềm giả mạo có chứa mã độc thông qua đường dẫn được đính kèm trong các tin nhắn mà chúng gửi. Khi tải về các phần mềm, đối tượng sẽ dễ dàng theo dõi các thao tác mà nạn nhân thực hiện trên thiết bị của mình, từ đó khai thác sâu hơn các thông tin quan trọng.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt.