Thịt, cá nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc, nguy hiểm cho người sử dụng |
Các loại cá dễ nhiễm ký sinh trùng
Cá chép: Loài ký sinh trùng thường gặp là sán lá gan. Triệu chứng nhiễm sán lá gan bao gồm đau bụng, sốt, buồn nôn và viêm gan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như xơ gan.
Cá trắm: Loài này dễ bị nhiễm các loại sán và giun ký sinh. Cá trắm thường sống ở tầng nước đáy, nơi có nhiều bùn đất, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng. Cá lóc (cá quả) sống ở ao hồ và các vùng nước đọng, cũng dễ nhiễm các loại giun ký sinh.
Cá basa, rô phi: Môi trường của các loại cá này là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển và xâm nhập của các loại ký sinh trùng, trong đó có giun và sán.
Cá hồi: Cá hồi dù sống ở môi trường nước mặn hay nước ngọt (trong giai đoạn di cư) cũng đều dễ nhiễm giun Anisakis, gây ra các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn, nổi mề đay...
Cá tuyết: Cá tuyết cũng là một trong những loài cá biển dễ nhiễm giun Anisakis. Loài ký sinh trùng này có thể tồn tại trong các mô cơ của cá và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu không được nấu chín.
Cách phòng tránh ký sinh trùng trong cá
Nấu chín cá là cách hiệu quả nhất để tiêu diệt ký sinh trùng. Hạn chế ăn cá sống hoặc chế biến chưa chín kỹ, đặc biệt là các món như sushi, sashimi, hoặc gỏi cá. Nếu bạn muốn ăn các món cá sống, hãy đảm bảo rằng cá đã được đông lạnh ở nhiệt độ -20°C trong ít nhất 7 ngày để tiêu diệt ký sinh trùng. Đông lạnh là cách hiệu quả để làm suy yếu và tiêu diệt ký sinh trùng mà không làm mất đi hương vị tự nhiên của cá. Đây là cách thường được áp dụng để vô hiệu hóa giun ký sinh trong cá hồi.
Việc bảo quản cá trong tủ lạnh hoặc tủ đông giúp ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng và vi khuẩn. Cá tươi nên được bảo quản ở nhiệt độ dưới 4°C và cá đông lạnh ở nhiệt độ -18°C. Trước khi chế biến, rửa cá sạch dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và các chất cặn bã. Sử dụng dao và thớt riêng khi chế biến cá sống để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn và ký sinh trùng.
Nhận biết thịt nhiễm khuẩn
Khi thịt đã ôi, một số người bán thường “hô biến” thịt ôi thành tươi bằng cách ướp hàn the, muối diêm... để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng. Khi ướp những chất này, thịt trông sẽ đỏ tươi nhưng không còn độ dính dẻo tự nhiên, thớ thịt săn, cứng, mất độ đàn hồi. Ngoài ra khi cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Khi nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt sẽ tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Thịt nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất là lợn nhiễm giun sán. Người tiêu dùng cần quan sát kỹ trước khi mua, nhất là những vùng thịt có gân mỡ như thịt vai, thịt bắp, thịt thủ… Nếu thấy những hạt như hạt gạo nếp thì không nên mua. Khi thái thịt, người dùng có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
Nhận biết thịt lợn sạch
Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày. Tuy nhiên hiện một số nơi đã nhập giống lợn siêu nạc, nên người tiêu dùng không nên đánh đồng giữa thịt lợn giống siêu nạc và thịt lợn siêu nạc do hóa chất. Để phân biệt 2 loại thịt này có thể dựa vào cảm quan và cảm nhận khi chế biến. Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
Lợn siêu nạc thường có lớp mỡ mỏng dưới 1cm và lỏng lẻo, phần nạc bám sát vào da. Còn mỡ thịt lợn bình thường dày 1,5 - 2cm có màu trắng trong đến trứng ngà, ăn giòn và không ngấy như thịt mỡ lợn nuôi bằng cám tăng trọng. Do đó thấy thịt toàn nạc, phần nạc và mỡ tách rời thì không nên mua. Thịt lợn sạch có màu hồng tươi trong khi thịt lợn siêu nạc thường màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng. Mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ.
Với thịt lợn sạch, khối thịt rắn chắc, độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Thịt chứa tồn dư chất cấm thường khô, cứng hơn và ít đàn hồi. Lợn ăn chất tạo nạc sẽ có cảm giác như ứ nước bên trong, cục nạc nổi thành u, khi thái có thể có dịch vàng chảy ra. Một cách thử đơn giản khác là khi thái thịt thành miếng dày 3-4 cm, nếu không đứng thẳng được thì đó là thịt đã nuôi tăng trọng. Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn, khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, khi rang ra nhiều nước, ăn khô. Nếu lợn được người chăn nuôi cho ăn kháng sinh, khi nấu thịt sẽ bốc hơi mùi kháng sinh dễ nhận biết.