Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Trăn trở ở nơi không bác sĩ nào muốn đến

ANTĐ - Trong bối cảnh ngành y đang được xã hội thừa nhận như một ngành thu hút nhất cả về danh vọng lẫn yếu tố kinh tế, ít ai biết rằng ngay giữa Thủ đô vẫn có những bệnh viện công lập dù được xếp là đầu ngành nhưng lại phải đối mặt với bài toán không sao tuyển dụng nổi bác sĩ. Càng ngạc nhiên hơn khi nguyên nhân không phải vì bệnh viện yêu cầu quá cao, tiêu chuẩn quá chặt mà chỉ vì… không bác sĩ nào muốn đến.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Trăn trở ở nơi không bác sĩ nào muốn đến ảnh 1Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng khám cho người bệnh

10 năm không tuyển được bác sĩ

Cuối năm 2015, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tuyển mới được một số bác sĩ trẻ về công tác. Đây là điều hết sức bình thường để đảm bảo hoạt động của một bệnh viện nói riêng cũng như bất cứ một cơ quan, đơn vị nào nói chung, nhằm đảm bảo kết quả công tác cũng như để bù đắp cho số lượng cán bộ về hưu, nghỉ chế độ.

Thế nhưng với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đợt tuyển dụng bác sĩ vừa qua lại được coi như một sự kiện trọng đại. Đơn giản bởi bệnh viện này đã trải qua một giai đoạn tròn 10 năm không tuyển dụng thêm được một bác sĩ nào, trong khi lượng bệnh nhân đến khám và điều trị cứ đều đặn tăng lên qua từng năm và ngày càng có xu hướng tăng nhanh hơn do sự thay đổi của mô hình bệnh tật.

Trong một lần đến làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mới đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phụ trách Khoa Bệnh nhân cấp và bán cấp nữ - người đã gắn bó hơn 14 năm với bệnh nhân tâm thần. Xã hội càng phát triển, sức ép công việc cũng như sức ép từ cuộc sống, sinh hoạt và học tập càng lớn thì bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần càng gia tăng, công việc của những thầy thuốc tâm thần càng thêm bận rộn.

Bác sĩ Đỗ Văn Thắng trải lòng: Những người vào viện này thường xuyên có biểu hiện kích động, gào thét, chạy nhảy, đập phá… Chuyện bác sĩ bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun thức ăn vào mặt không có gì là lạ ở đây. Ngay đến những bệnh nhân nữ, ngày thường vốn yếu ớt là vậy nhưng khi họ phát bệnh thì 4-5 người cũng khó mà giữ nổi. Nếu không có sự cảm thông với người bệnh và tinh thần trách nhiệm thì khó ai có thể trụ lại lâu dài với nghề.

Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi về một nguyên nhân quan trọng khác (có thể nói là nguyên nhân hàng đầu) dẫn đến thực trạng bệnh viện khó tuyển mới bác sĩ, dù có mác là bệnh viện công lập chuyên khoa tuyến cuối của thành phố về tâm thần, đó chính là yếu tố kinh tế.

 “So với bác sĩ công tác ở các bệnh viện khác, chuyên ngành khác thì thu nhập của bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần chúng tôi rõ ràng thua xa. Lượng bệnh nhân đã tăng gấp đôi trong chục năm qua nhưng lượng bác sĩ của bệnh viện thì thậm chí lại… giảm đi vì 10 năm không tuyển mới được ai, thế nên quá tải, một bác sĩ phải làm việc gấp hai mà lương thì không tăng lên được. Đó là chưa kể nhận thức của xã hội về bác sĩ ngành tâm thần, về bệnh nhân tâm thần chưa đúng, còn mặc cảm…” - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ.

Tâm tư và cả những mặc cảm

Không đến nỗi khó khăn trong tuyển dụng bác sĩ như Bệnh viện Tâm thần Hà Nội song Bệnh viện Chăm sóc và Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội - thường gọi là Bệnh viện 09, cũng là địa chỉ không nhiều bác sĩ trẻ mặn mà. Lý do không khó giải thích bởi nhắc đến HIV/AIDS, ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa, trong khi bác sĩ nếu về công tác tại bệnh viện này thì đương nhiên phải chấp nhận từng ngày, từng giờ sát cánh cùng bệnh nhân.

Họ không chỉ phải cùng bệnh nhân thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ mà còn phải chiến đấu với chính mình bởi nguy cơ phơi nhiễm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Kể về một “tai nạn” gặp phải trong quá trình làm việc, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 09 Hà Nội) - người đã gắn bó 20 năm với công việc chăm sóc bệnh nhân HIV cho biết, trong một lần cấp cứu một bệnh nhân sử dụng ma túy, bệnh nhân giãy đạp khiến anh bị kim tiêm cắm vào tay. Sau 2 tháng, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện, anh và các bác sĩ mới giật mình khi biết bệnh nhân đang bị HIV giai đoạn cuối nhưng rất may không ai bị phơi nhiễm. 

Và cũng giống như tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, các bác sĩ công tác tại Bệnh viện 09 Hà Nội đa số chịu thiệt thòi hơn về đời sống, thu nhập so với các đồng nghiệp ở những chuyên ngành khác. Vì thế, không ít bác sĩ trẻ sau một thời gian về công tác tại các cơ sở này đều muốn xin chuyển đi. Do đó, đội ngũ bác sỹ ở các bệnh viện này rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của nhà nước và xã hội.

Cần chế độ đãi ngộ và quan tâm tốt hơn

“Chúng tôi mong muốn thành phố, ngành y tế quan tâm hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn với các bác sĩ chuyên ngành tâm thần, giúp các bác sĩ yên tâm công tác. Cùng đó, cần truyền thông nhiều hơn về lĩnh vực này để xóa tan mặc cảm, để mọi người hiểu đúng rằng bệnh tâm thần không chỉ có điên, rồ dại mà là căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Thực tế 1/5 dân số hiện nay có các dấu hiệu, mắc phải những chứng bệnh rối loạn tâm thần cần được tư vấn điều trị”.

 Bác sĩ Lý Trần TìnhGiám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội