Mới đây đã có bằng chứng về việc Không quân Nga sử dụng bom chịu nhiệt FAB-500T trang bị module cánh lượn UMPC trong các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu ở khu vực Kharkiv của Ukraine.
Theo ghi nhận có tới hai quả bom FAB-500T đã rơi trúng các ngôi nhà của vùng Kharkiv nhưng đều không phát nổ.
Việc sử dụng bom FAB-500T tích hợp module UMPC trong cả hai vụ tấn công nói trên là lần đầu tiên được ghi nhận trong cuộc chiến tại Ukraine. Chưa rõ ngoài hai quả bom chưa nổ nói trên thì còn bao nhiêu vụ đánh phá nữa huy động vũ khí này.
So với bom FAB-500M-62 tiêu chuẩn mà các kỹ sư quân sự Nga thường tích hợp module UMPC để hoán cải nó thành bom lượn dẫn đường, loại bom FAB-500T này có một chút khác biệt.
Cụ thể, bom FAB-500T khác biệt ở chỗ trọng lượng đầu đạn nhẹ hơn một chút (260 kg chất nổ thay vì 300 kg), bên cạnh đó vẻ ngoài mang lại đặc tính khí động học tốt hơn trong suốt chuyến bay.
Nhưng điều quan trọng nhất cần nói về FAB-500T đó là loại bom này được tạo ra để sử dụng cho máy bay trinh sát và tấn công loại MiG-25RB, khi phương tiện nói trên có thể đạt tốc độ lên tới 3.000 km/h.
Chính vì vậy, chữ “T” trong tên gọi FAB-500T chính là viết tắt của từ “kháng nhiệt”, bởi vì loại bom này được thiết kế cho tốc độ rất cao lên tới Mach 2,83 của máy bay MiG-25RB cho nên yêu cầu phải chịu được nhiệt độ tương ứng.
Hơn nữa, một số nguồn tin của Nga cho rằng nhờ hình dáng khí động học đặc biệt cho nên bom FAB-500T tự thân nó có thể vượt qua cự ly 30 - 40 km mà không cần sử dụng thêm bộ cánh lượn UMPC lắp thêm.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga mới đây đã cho thấy việc nối lại sản xuất bom FAB-500T, hình ảnh chứng minh được ghi lại trong đoạn phim Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thị sát nhà máy vào tháng 3 năm 2024.
Như vậy trong trường hợp này, chúng ta không nói về việc sử dụng những quả bom FAB-500T "di sản Liên Xô" được bảo quản trong các kho lưu trữ, mà thực sự tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã tiếp tục sản xuất loại đạn tấn công này.
Việc Nga tích hợp module UMPC vào bom FAB-500T bất chấp bản thân nó có đặc tính khí động học tốt là bởi vì họ cần một quả bom lượn tầm xa hơn để tấn công lãnh thổ Ukraine, so với loại FAB-500M-62 tiêu chuẩn được trang bị cùng một bộ cánh lượn.
Thực tế chiến trường cho thấy những quả bom lượn lắp module UMPC mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với đạn pháo, giúp giải quyết những cụm cứ điểm vững chắc mà Lực lượng vũ trang Ukraine thiết lập.
Đối đầu máy bay chiến đấu Nga có khả năng ném bom gắn module UMPC từ cách xa tiền tuyến, nằm ngoài tầm với của phòng không mặt đất, binh sĩ Kyiv đang rất mong đợi thời điểm tiêm kích F-16 tham chiến.
Với tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 AMRAAM trên tiêm kích F-16, chiến đấu cơ Nga mang bom lượn sẽ buộc phải ném chúng từ cự ly xa hơn, khiến cho độ chính xác suy giảm mạnh.