Nga khai thác 'gót chân Achilles của NATO' thông qua Hành lang Suwalki

ANTD.VN - Hành lang Suwalki với vị thế trọng yếu được giới phân tích nhận xét có thể là điểm bùng phát xung đột giữa Nga và NATO.

Hành lang Suwalki được mệnh danh là "Gót chân Achilles của NATO" và thậm chí là "Nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất", bởi địa điểm này rất có thể là nơi bùng phát xung đột giữa Nga và NATO.

Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định NATO đã xác định chính xác một điểm bùng phát tiềm năng cho Thế chiến III. Đó là Hành lang Fulda được tạo thành từ một số con đèo rộng mở chạy qua những ngọn đồi ở trung tâm Tây Đức, cách Frankfurt khoảng 60 dặm về phía Đông Bắc.

Hành lang Fulda được xác định là một con đường tiến quân có thể xảy ra khi các lực lượng của khối Hiệp ước Warsaw sẽ tiến hành vào Tây Âu dưới sự chỉ quy của Liên Xô.

Điều thú vị là Hành lang Fulda cũng tương ứng với con đường mà Hoàng đế Pháp Napoléon đã chọn để rút lực lượng của mình sau thất bại trong trận Leipzig. Nhưng ngày nay địa điểm trên dường như không có tầm quan trọng chiến lược.

Thay vào đó, điểm nóng mới có thể là Hành lang Suwalki, một đoạn hẹp dài 70 km mà trong nhiều năm đã được mệnh danh là “Gót chân Achilles của NATO” và thậm chí là “Nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất”.

Hành lang Suwalki về cơ bản chạy dọc Litva - Ba Lan, một biên giới được thành lập vào năm 1920. Tuy nhiên, nó cũng tách biệt vùng Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic với Belarus.

Khu vực này được Liên Xô sáp nhập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và sau cuộc di cư / trục xuất người Đức, vùng đất này hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Moskva và trở thành lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.

Thành phố lớn nhất Kaliningrad được biết đến cho đến năm 1946 với tên gọi Königsberg, nó vẫn quan trọng về mặt chiến lược đối với Quân đội Nga khi hàng nghìn binh sĩ Nga và thậm chí cả vũ khí hạt nhân vẫn được duy trì ở đây.

Sau khi các nước Baltic gia nhập NATO, đặc biệt là Litva, Nga đã bày tỏ lo ngại rằng Kaliningrad có thể bị phong tỏa, và đó thực chất đây là những gì đang xảy ra sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vilnius gần đây đã thông báo rằng tuyến đường sắt quốc gia của họ sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt của châu Âu và sẽ không cho phép vận chuyển một số hàng hóa Nga đi từ Belarus đến Kaliningrad. Điều đó bao gồm than, kim loại và thậm chí cả vật liệu xây dựng.

Một nỗi sợ hãi lớn đối với cả ba quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva đó là họ trở thành đối tượng "tiếp theo" trong danh sách các mục tiêu của Nga nhằm khôi phục biên giới của Liên Xô cũ.

Cả ba quốc gia này đều bị Liên Xô sáp nhập vào năm 1939 khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai.

Litva là nước cộng hòa đầu tiên tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi Liên Xô vào ngày 11/3/1990. Tiếp theo là các nước láng giềng Latvia và Estonia. Bất kỳ nỗ lực quân sự nào của Nga đều có thể liên quan đến một cuộc hành quân qua Hàng lang Suwałki để cắt đứt lực lượng NATO khỏi Ba Lan.

Khía cạnh nguy hiểm nhất của Hành lang Suwalki không phải là nó là đất nông nghiệp thưa thớt dân cư. Trong khi một hành động quân sự của Nga có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ chung theo Điều 5 của NATO.

Câu hỏi đặt ra là liệu ban lãnh đạo NATO và tất cả các thành viên có thực sự mạo hiểm để nổ ra Chiến tranh thế giới thứ ba và nguy cơ chiến tranh hạt nhân hủy diệt để bảo vệ Hành lang Suwalki hay không.

Nga thậm chí có thể cảm thấy mình cần phải hành động sớm hơn, vì Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, điều này có thể biến Biển Baltic thành một hồ nước của NATO và cô lập thêm Kaliningrad.

Một báo cáo năm 2016 của RAND Corp đã gợi ý rằng 3 quốc gia Baltic có thể bị quân đội Nga tiến công, tràn ngập chỉ trong vài ngày và NATO sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy lui. Hành lang Suwalki được coi là điểm then chốt trong việc ngăn chặn Moskva.

Tuy nhiên, có lẽ Nga đã rút ra được bài học đắt giá trong cuộc chiến với Ukraine. Điện Kremlin mong đợi một chiến thắng chóng vánh, đến nỗi quân đội Nga thiếu trang phục mùa đông thích hợp nhưng lại đến với lễ phục để duyệt binh.

Các chính trị gia tại Moskva rõ ràng không hề muốn gặp phải sự phản kháng quyết liệt đến như vậy, và có rất ít lý do cho rằng Quân đội Nga sẽ hoạt động tốt hơn tại các nước Baltic.

Những tổn thất của Nga tăng lên khi không chiếm được Kyiv và nước này tiếp tục sa lầy trong một trận chiến lâu dài và khó khăn để đảm bảo những gì họ đã giành được, Điện Kremlin có thể thấy rằng sẽ không khôn ngoan nếu tiến hành cuộc tấn công qua Hành lang Suwałki.

Mặc dù viễn cảnh trên chắc chắn sẽ không kết thúc tốt đẹp với nước Nga, nhưng mọi chuyện là không thể đoán trước.

Bởi vậy, việc NATO tăng cường phòng thủ tại địa điểm chiến lược nói trên là không thừa, đặc biệt khi gần đây Nga đã cảnh báo Litva rằng sẽ dùng tới biện pháp cứng rắn nhất nếu việc phong tỏa Kaliningrad không sớm chấm dứt.