Nga hồi sinh tiêm kích Yak-141 để phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6?

ANTD.VN - Tiêm kích Yak-141 sẽ được hồi sinh dưới hình dạng chiến đấu cơ thế hệ 6 là điều báo chí Nga đang nhắc tới.

"Nga đang muốn phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL)", đây là những gì được báo chí tại Moskva nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây.

Mặc dù Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec vẫn giữ im lặng, tuy nhiên những người trong cuộc cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ Phòng thiết kế Yakovlev - một đơn vị tiên phong đối với công nghệ VTOL.

Theo trang TopWar, Yakovlev đang cân nhắc việc khôi phục lại bản thiết kế tiêm kích Yak-141 - chiến đấu cơ VTOL siêu âm đầu tiên trên thế giới, thực hiện chuyến bay thử nghiệm lần đầu vào năm 1987.

Chiếc máy bay chiến đấu đặc biệt này ban đầu dựa trên thiết kế Yak-36 ra đời từ những năm 1950, có thể đóng vai trò là nền tảng cho thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của Nga.

Yak-141 là dự án mang tính đột phá, có khả năng hoạt động từ tàu sân bay và đạt tốc độ siêu âm trong khi thực hiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Lần đầu tiên nó bay lên bầu trời vào ngày 9 tháng 3 năm 1987 vẫn là cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không Nga.

Yak-141 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,7, thông số ấn tượng này là nhờ sự kết hợp sáng tạo giữa động cơ phản lực nâng với khả năng quay vòi xả xuống dưới, giúp máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cũng như đạt được tốc độ siêu âm.

Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể và thể hiện khả năng đáng chú ý, chương trình Yak-141 phải đối mặt với nguy cơ hủy bỏ vào đầu những năm 1990. Đây là hậu quả từ những khó khăn về kỹ thuật, sự tan rã của Liên Xô gây ra hạn chế về tài chính.

Mặc dù chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt hoặc sử dụng rộng rãi, tiêm kích Yak-141 vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử với tư cách là máy bay VTOL siêu âm đầu tiên trên thế giới.

Trong khi lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang phải đối mặt với những thách thức tại Ukraine, nhiều cuộc thảo luận lại đang được tiến hành về việc triển khai máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2050.

Tuy nhiên các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của bản kế hoạch này, xét đến những khó khăn mà Nga đang gặp phải với thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình hiện tại, đó là chiếc Su-57 mãi chưa hoàn thiện còn Su-75 mới chỉ là mô hình trình diễn.

“Đó là một tham vọng viển vông”, ông Pavel Luzin - một chuyên gia nổi tiếng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã lưu ý trong bài phân tích gần đây.

“Mặc dù một số quan chức chính phủ tin rằng điều đó có thể đạt được, nhưng đây không phải hiện thực. Việc bắt chước nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này chỉ là một vỏ bọc để đảm bảo nguồn tài trợ, nhưng không có gì đáng kể đằng sau”.

Mặc dù vậy, chủ đề này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nga, khi các chính trị gia thường khuấy động chủ nghĩa dân tộc bằng cách ca ngợi sự vượt trội của vũ khí do nước này sản xuất.

Họ cho rằng việc từ bỏ hoàn thiện chiếc Yak-141 để người Mỹ học tập và tạo ra phiên bản F-35B là sai lầm lớn, chính vì vậy Nga cần dẫn trước một lần nữa khi tái khởi động dự án Yak-141 và nâng hẳn nó lên tiêm kích thế hệ 6, bất chấp khó khăn phía trước là vô cùng lớn.