Đến năm 2030, Nga sẽ có 7 tàu phá băng hạt nhân thế hệ mới, Tổng giám đốc Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) - ông Andrei Puchkov cho biết trong lễ hạ thủy con tàu mới nhất mang tên Chukotka.
Hiện nay tại Nhà máy đóng tàu Zvezda, việc chế tạo tàu phá băng hạt nhân mới nhất mang tên Rossiya hiện đang được tiến hành, con tàu có công suất lò phản ứng lên tới 120 MW.
Bên cạnh đó theo Bộ trưởng Công Thương Liên bang Nga - ông Anton Alikhanov, Moskva còn có kế hoạch chế tạo thêm 4 tàu phá băng diesel - điện tại chính nhà máy đóng tàu nói trên để bổ sung cho đội tàu hạt nhân.
Mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ hạ thủy tàu phá băng Dự án 22220 Chukotka thông qua cầu truyền hình, sở dĩ sự kiện trên thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi đây là tàu phá băng hạt nhân lớn và mạnh nhất trên thế giới.
Tàu phá băng hạt nhân Chukotka được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Baltic, khách hàng là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom.
"Việc tạo ra những con tàu hiện đại, mạnh mẽ như vậy là minh chứng cho tiềm năng công nghiệp, khoa học, nhân lực và công nghệ của Nga. Đây chính là cách toàn bộ nền kinh tế phát triển trên cơ sở công nghệ và giải pháp khoa học đột phá của riêng mình", ông Putin lưu ý.
Tổng thống Nga nói thêm, các tàu phá băng hạt nhân mới nhất sẽ đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ của các vùng lãnh thổ Bắc Cực, cũng như sự tăng trưởng của dòng chảy thương mại dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc.
Theo các nhà phân tích, việc chế tạo loạt tàu phá băng được tiến hành khẩn trương bởi Nga nhận thấy Mỹ và các đồng minh NATO, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực.
Không chỉ có những tàu phá băng hạt nhân, việc chế tạo tàu thám hiểm khoa học lớn mang tên Ivan Frolov thuộc Dự án 23680 đã bắt đầu, phương tiện này sẽ giúp Nga kiểm soát tốt hơn khu vực Bắc Cực và mở rộng ảnh hưởng tại Nam Cực.
Con tàu nói trên được khởi đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty tại St. Petersburg, khách hàng là Cơ quan giám sát khí tượng thủy văn và môi trường Nga (Roshydromet).
Nhà máy đóng tàu cho biết, theo kế hoạch, họ dự kiến thực hiện công việc trong khoảng 5 năm. Chiếc Ivan Frolov sẽ trở thành tàu thứ tư của hạm đội thám hiểm khoa học trực thuộc "Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực" của Liên bang Nga.
Vai trò của phương tiện nói trên là nghiên cứu biển, thay thế nhân sự và hỗ trợ cho các trạm quan sát ở Nam Cực cũng như Bắc Cực. Sau khi được đưa vào hoạt động, chiếc Ivan Frolov sẽ thay thế tàu Akademik Fedorov đã cũ và sẽ hoạt động ít nhất 30 năm.
Con tàu sẽ giúp tiến hành nghiên cứu ngay cả trong điều kiện thời tiết khó khăn nhất, đảm bảo hoạt động liên tục đối với các trạm nghiên cứu đặt tại vùng cực của Roshydromet.
Chiều dài của chiếc Ivan Frolov lên tới 165 mét, lượng giãn nước khoảng 25.000 tấn, trọng lượng toàn phần khoảng 9.200 tấn, 2 máy bay trực thăng được biên chế cho tàu.
Khoảng không gian trên tàu được thiết kế cho 240 người, trong đó bao gồm 70 thủy thủ đoàn và 170 nhà khoa học. Tùy thuộc vào mục đích, có thể bố trí tới 20 phòng thí nghiệm trên tàu để nghiên cứu từ đáy đại dương đến tầng bình lưu.
Là một tàu nghiên cứu biển nhưng chiếc Ivan Frolov cũng có thể vận tải lượng hàng hóa lên tới 2.500 tấn, rất cần thiết khi thực hiện chức năng cung cấp nhu yếu phẩm và vật tư cho các căn cứ xa xôi.