Công ước Montreux ký năm1936 tại thành phố cùng tên của Thụy Sĩ quy định chế độ đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus đối với tàu thương mại cũng như tàu chiến cả trong thời bình lẫn thời chiến.
Văn bản này trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát eo biển và được phép điều chỉnh việc đi lại của tàu chiến nước ngoài trong thời bình và thời chiến, đảm bảo sự cân bằng lợi ích của các nước trong khu vực Biển Đen và cộng đồng quốc tế.
Hiện tại việc quá cảnh qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ được miễn phí hoàn toàn, ngoài ra còn ưu đãi khác được thiết lập cho các quốc gia thuộc Biển Đen, đó là họ có thể điều động tàu chiến thuộc bất kỳ loại nào, ngoại trừ tàu sân bay.
Trong khi đó việc qua lại Biển Đen của hải quân các nước NATO không thuộc Biển Đen, đặc biệt là Mỹ bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy Nga rất quan tâm đến việc bảo tồn Công ước Montreux bởi vì Moskva lo ngại tàu chiến Mỹ sẽ hiện diện lâu dài trong khu vực.
Mới đây trong cuộc họp diễn ra tại bán đảo Crimea nhằm bàn thảo các vấn đề của ngành đóng tàu, Cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga - ông Nikolai Patrushev đã cho biết một thông tin đáng báo động.
Theo ông Patrusev, Mỹ và các đồng minh NATO thuộc châu Âu đang xem xét khả năng thay đổi chế độ đi lại thông qua những eo biển thuộc Biển Đen, vốn được thiết lập theo Công ước Montreux.
Ông Patrushev cáo buộc tập thể phương Tây đang ấp ủ kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của họ ở Biển Đen bằng cách sửa đổi những thỏa thuận quốc tế hiện có về việc tiếp cận khu vực này.
Đáng chú ý hơn cả, ông Patrushev chỉ đích danh Mỹ và NATO đang tìm cách sử dụng những tuyến đường thủy nội địa của châu Âu cho mục đích quân sự nhằm tạo điều kiện tiếp cận Biển Đen.
Cựu Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga cảnh báo ý định như vậy nếu được triển khai chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho sự cân bằng chiến lược hiện có trong khu vực, từ đó làm gia tăng đáng kể căng thẳng.
Trước đó, chính quyền Moskva nhiều lần bày tỏ lo ngại về khả năng sửa đổi Công ước và cảnh báo một bước đi như vậy có thể gây ra hậu quả sâu rộng đối với an ninh của toàn bộ khu vực Biển Đen.
Một diễn biến khác mà Nga cũng phải đặc biệt quan tâm đó là Tổng thống Nhĩ Kỳ Erdogan đã phê duyệt dự án xây dựng Kênh Istanbul, đồng thời khẳng định Công ước Montreux sẽ không áp dụng cho tuyến đường thủy hoàn toàn mới này.
"Kênh Istanbul không có mối liên hệ nào với Công ước Montreux. Tuyến giao thông này là thành tựu của chúng tôi, sẽ giúp giải tỏa giao thông cho Eo biển Bosphorus trên quan điểm bảo vệ môi trường", ông Erdogan nói rõ.
Chiều dài Kênh Istanbul được thiết kế để kết nối Biển Marmara và Biển Đen khoảng 45 - 50 km, chiều rộng 150 mét, chiều sâu 25 mét. Theo tính toán sơ bộ, khoảng 85.000 lượt tàu sẽ đi qua hàng năm và Eo biển Bosphorus ngừng hoạt động.
Bản thân sự xuất hiện của Kênh Istanbul không thể hủy bỏ Công ước Montreux, nhưng nó chắc chắn dẫn đến sự thay đổi trong các quan hệ pháp lý liên quan đến quá cảnh qua eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ và khiến sự hiện diện của tàu chiến NATO trở nên dễ dàng hơn.