Nga đã tổn thất hơn 1.000 xe tăng trên chiến trường Ukraine?

ANTD.VN - Tổng thống Zelensky cho hay Ukraine đã phá hủy hơn 1.000 xe tăng Nga trong giao tranh, nhưng cảnh báo Moscow vẫn còn nhiều vũ khí và nguồn lực để tung ra các mũi tiến công tại nước này.
Nga đã tung vào chiến trường này toàn bộ các mẫu xe tăng cực mạnh hiện có trong biên chế của mình, từ T-90M, T-90A, T-80BVM, T-80B, T-80U, T-72B3M, T-72B3, T-72B. Khi đối đầu với các loại tên lửa chống tăng phương Tây, phía Kiev cho biết đã có hơn 1.000 xe tăng Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Trong bài phát biểu qua video tối 30/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang nước này trong hơn hai tháng giao tranh với quân đội Nga.

Ông cho hay ngoài hơn 1.000 xe tăng, quân đội Ukraine còn phá hủy gần 200 máy bay, khoảng 2.500 xe thiết giáp và hạ hơn 23.000 quân nhân Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận rằng, quân đội Nga vẫn đủ trang thiết bị quân sự để mở các đợt tiến công mới.

"Đối phương vẫn còn vũ khí trong kho. Họ vẫn còn tên lửa đến bắn vào lãnh thổ chúng ta. Tuy nhiên, chiến sự đã khiến Nga tổn thất đến mức dường như họ đang tính toán duyệt binh ở Moscow với lượng khí tài ít hơn", Zelensky đề cập đến cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng sẽ được Nga tổ chức ở Quảng trường Đỏ hôm 9/5.

Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin này. Quân đội Nga không thường xuyên cập nhật thiệt hại của mình trong chiến sự tại Ukraine. Đặc biệt Moscow chưa từng lên tiếng về thiệt hại phương tiện khí tài tại Ukraine.

Lần gần nhất Moscow công bố thông tin là ngày 25/3, khi thông báo kết thúc giai đoạn một của chiến dịch quân sự đặc biệt, với số quân nhân tử vong trên chiến trường Ukraine là 1.351 và số người bị thương là 3.825.

Tuy nhiên giới chức Mỹ và NATO cho rằng Nga có thể đã mất 7.000-15.000 quân nhân trên chiến trường.
Họ cũng nhận định rằng, Nga đã tổn thất nặng nề về trang thiết bị với số lượng lớn xe tăng bị bắn cháy.

Tuy đã tung vào chiến trường Ukraine những loại xe tăng mới nhất của mình, nhưng chủ lực Nga vẫn phải sử dụng các phiên bản xe tăng T-72 bao gồm: T-72B, T-72B3, T-72B3M trong các cuộc giao tranh ở Ukraine.

Các xe tăng của Nga liên tục bị thổi bay tháp pháo khi trúng đạn được phương Tây cho rằng, chính việc xếp đạn trong tháp pháo khiến loại xe tăng này lộ "điểm yếu" chí tử trên chiến trường.

Tháp pháo bị thổi bay hầu như xảy ra cho tất cả các dòng xe tăng Nga đang tham chiến tại Ukraine, ngoại trừ phiên bản T-90M mới được Nga đưa vào chiến trường Ukraine chỉ vài ngày trước.

Các tên lửa chống tăng hiện đại phương Tây viện trợ cho Ukraine có kiểu tấn công "đột nóc", nghĩa là khi chúng bay tới gần mục tiêu, sẽ đột ngột lao vút lên cao và phóng xuống thẳng nóc xe tăng.
Trên xe tăng, phần mặt trước là nơi có giáp tốt nhất, nhưng phần nóc lại là nơi có giáp yếu nhất của xe, chính vì vậy tấn công vào vị trí này sẽ nhanh chóng loại xe tăng ra khỏi vòng chiến.
Sau khi xuyên thủng phần nóc xe tăng, tên lửa phát nổ và kích hoạt kho đạn xe tăng đặt ngay trong tháp pháo tạo ra một vụ nổ với sức công phá vô cùng khủng khiếp.
Triết lý thiết kế xe tăng của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay thường đặt đạn pháo vào ngay trong tháp pháo.
Điều này sẽ giúp tiết kiệm diện tích làm cho xe tăng nhỏ hơn, thấp hơn, khiến đối phương khó bắn hơn.
Việc thiết kế kho đạn ngay trong tháp pháo còn giúp thuận lợi cho hệ thống nạp đạn tự động trên các xe tăng Nga.
Tuy vậy cũng chính điều này khiến cho xe tăng Nga đặc biệt dễ tổn thương nếu bị tên lửa tấn công kiểu đột nóc.

Ngay cả khi Nga thiết kế "nón sắt" cho xe tăng thì chúng vẫn không giúp chúng tránh được đòn tấn công đột nóc từ tên lửa của Ukraine.

Nga có vẻ cũng đã nhận ra hạn chế của kiểu thiết kế kho đạn trong tháp pháo, chính vì vậy trên phiên bản xe tăng T-14 đang hoàn thiện, họ đã thiết kế theo phương Tây khi để kho đạn ra đuôi tháp pháo.
Tuy Nga chưa lên tiếng cho biết chính xác họ đã mất bao nhiêu xe tăng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng dã có ghi nhận về việc Quân đội Nga phải huy động đến các xe tăng T-80 "đồ cổ" được lưu trữ tại căn cứ trên đất Siberia để tung vào chiến trường Ukraine.
Đầu tháng 4, trả lời Sky News, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay quân đội Nga đã chịu tổn thất "đáng kể" ở Ukraine và gọi đây là "bi kịch to lớn" của đất nước.
Hiện Ukraine đang có kho vũ khí chống tăng lên tới hơn 30.000 đơn vị, điều này giúp họ kháng cự lại sức tấn công của Nga vốn mạnh hơn về quân số và khí tài.

Chiến sự Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp khi bước qua tháng thứ ba. Nga chuyển trọng tâm sang mặt trận phía đông Ukraine, đặt ưu tiên giải phóng vùng Donbass.

Nhiều thành phố Ukraine tiếp tục bị không kích trong một ngày qua, trong đó có đường băng sân bay tại Odessa ở phía tây nam.

Phương Tây đã tăng nỗ lực hỗ trợ vũ khí cho Ukraine kháng cự. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần qua đề nghị quốc hội duyệt gói ngân sách 33 tỷ USD để vũ trang và giải cứu nền kinh tế nước Đông Âu.

Kế hoạch được công bố chỉ vài ngày sau khi Mỹ chủ trì cuộc họp với đại diện 40 nước ở một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Đức, đặt mục tiêu tìm giải pháp viện trợ cho Ukraine.