Mỹ ‘tự bắn vào chân’ nếu quyết trừng phạt Ấn Độ vì hợp đồng mua tên lửa S-400

ANTD.VN - Việc theo đuổi chính sách trừng phạt những đối tác mua vũ khí do Nga sản xuất đang khiến Mỹ bị bạn bè quốc tế xa lánh.

Trong quan hệ quốc tế, Mỹ bị đánh giá đang tự đẩy mình vào thế khó khi giới tinh hoa chính trị tại Washington thực thi những chính sách khiến ngay cả đối tác lâu năm cũng tìm cách xa lánh họ.

Tổng thống Joe Biden sẽ phải vượt qua một số bài kiểm tra nhằm chứng minh ông ta có năng lực duy trì quan hệ hữu nghị với những nước vẫn được xem là "quan trọng đối với an ninh quốc gia" của Mỹ.

Nhà báo Lauren Thompson của Tạp chí Forbes nhấn mạnh, quan hệ Mỹ - Ấn đang đối diện nguy cơ, trong đó khúc mắc nằm ở sự kiện diễn ra vào năm 2018, khi New Delhi ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga.

Tổ hợp S-400 Triumf - thứ vũ khí rất hiệu quả để đánh bại những cuộc tấn công đường không đã trở thành trở ngại chính ngăn cản mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều đối tác quan trọng.

Washington đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc và cả một đồng minh quan trọng trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) được phê duyệt vào năm 2017.

Nếu như việc áp đặt CAATSA lên Trung Quốc không có bất cứ ý nghĩa nào, với Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù gây ra sóng gió nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, thì những gì diễn ra sắp tới với Ấn Độ sẽ là “cơn bão”.

Ông Thompson bình luận, nếu Mỹ quyết trừng phạt Ấn Độ thì điều này sẽ phá hủy các kế hoạch của Washington đã được chuẩn bị trong nhiều năm để tạo ra một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Mặc dù Australia và Nhật Bản đã là một phần của liên minh này, họ đồng thời là đồng minh lâu năm của Mỹ, nhưng nếu thiếu Ấn Độ thì hiệu quả của khối sẽ giảm đi quá nửa.

Theo Tạp chí Forbes, chính quyền Tổng thống Biden lẽ ra phải khẳng định từ lâu rằng sẽ không có bất cứ một lệnh trừng phạt nào áp đặt lên Ấn Độ.

Nhưng thay vào đó, Washington lại giữ thái độ lấp lửng, họ vẫn để ngỏ khả năng trừng phạt Ấn Độ “chỉ vì mua sắm hệ thống phòng thủ mà họ cần để đảm bảo an ninh của chính mình".

Tuy vậy hợp đồng mua S-400 là không thể hủy bỏ khi: "New Delhi cần hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng tiêu diệt máy bay và tên lửa đạn đạo. Những cuộc đàm phán với Nga về thương vụ S-400 đã bắt đầu trước khi CAATSA được Mỹ thông qua".

Nhà báo Thompson nói: “Thật là phù phiếm và tự hủy hoại bản thân khi để ngỏ khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại New Delhi trong một thời gian dài như vậy, nhất là khi Mỹ cần một đối tác như Ấn Độ để đối đầu Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vị thế của Ấn Độ, khi quốc gia Nam Á này đang phát triển với tốc độ nhanh, điều quan trọng nữa chính là New Delhi được xem như đối tác tiềm năng có lợi cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ.

Trước thực tế trên, nếu như Washington áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại New Delhi chỉ vì hợp đồng mua vũ khí Nga chắc chắn sẽ phá hoại quan hệ Mỹ - Ấn, vì nó xúc phạm "chủ quyền và phẩm giá của Ấn Độ".

Chuyên gia phân tích Lauren Thompson kết luận: “Nếu điều này xảy ra sẽ chỉ có lợi cho Bắc Kinh và Moskva, nó sẽ làm phức tạp thêm mong muốn kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Mỹ”.