Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ sẽ cảm thấy rất thất vọng nếu nước Nga không bị rơi vào tình trạng "vỡ nợ kỹ thuật", ý kiến nói trên được đưa ra bởi tờ Bloomberg.
Cần nhắc lại việc Tổng thống Joe Biden gần đây một lần nữa thắt chặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, hành động trên nhằm mục đích cố gắng đẩy nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Trước đây Moskva có thể lách các lệnh trừng phạt và thực hiện những khoản thanh toán cần thiết, tuy nhiên Washington đang cố gắng hết sức để tước bỏ khả năng thanh toán bằng ngoại tệ của chính quyền Nga.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích kinh tế của tờ Bloomberg lưu ý rằng ngay cả khi Mỹ và các đồng minh thành công và chặn, không cho phép Nga thanh toán, quốc gia này cũng sẽ không cảm thấy bị tổn hại về mặt kinh tế.
Tờ Bloomberg đưa ra nhận xét: “Số tiền bị đe dọa là khiêm tốn. Nga đã giảm nợ bằng đồng đô la trong phần lớn thập kỷ qua, họ giảm thành công gánh nặng nợ xuống dưới 20% GDP".
“Việc thực hiện các biện pháp phong tỏa khiến Moskva không trả được nợ bằng ngoại tệ cũng sẽ chẳng thể nào gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, bởi vì hầu hết các khoản nợ đã được bán hoặc xóa bỏ từ trước”.
Theo các nhà phân tích, những nỗ lực của Washington sẽ không thể khiến Moskva nhượng bộ về những điều khoản liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, hay buộc Liên bang Nga phải rút lui khỏi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Một đòn trừng phạt hữu hình hơn so với gây ra tình trạng vỡ nợ kỹ thuật có thể là việc ngừng nhập khẩu năng lượng, điều mà Brussels hiện đang cố gắng đạt được.
Hiện nay các nước thành viên Liên minh châu Âu, sau những tuần tranh cãi kéo dài, họ đã đồng ý đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ một phần bằng cách ngăn cản nguồn cung cấp dầu từ đường biển của Nga.
Mặc dù vậy, biện pháp này cũng sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán rằng chính Liên minh châu Âu sẽ là nạn nhân từ những bước đi mà họ đưa ra.
“Thật không may, lệnh cấm vận dầu thực tế sẽ có hiệu lực trong vài tháng sau đó, nhưng châu Âu đã cảm thấy ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức khi giá dầu tăng. Ngoài ra việc giảm mua khí đốt còn khó khăn hơn nhiều do cơ sở hạ tầng ở châu Âu”, ấn phẩm Mỹ cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Mỹ muốn đẩy Nga vào tình trạng vỡ nợ cũng là một nỗ lực làm tổn hại danh tiếng của Tổng thống Vladimir Putin, người đã bảo vệ đất nước khỏi sự hỗn loạn tài chính những năm 1990, bao gồm cả vụ vỡ nợ năm 1998.
“Tổng thống Putin đã nhanh chóng trả các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và khoản nợ từ thời Liên Xô. Chính phủ Nga đã tạo ra một bảng cân đối kế toán mạnh và đủ lượng dự trữ cần thiết”, tờ Bloomberg nhấn mạnh.
Nhưng cần lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh của mình sẽ không chịu ngồi yên, chắc chắn họ sẽ phối hợp đưa ra những biện pháp mạnh bạo hơn trong thời gian sắp tới.