Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho rằng, vụ phóng thử không thành công một tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất trong tuần qua, không phải là lý do khiến Mỹ phải hủy bỏ kế hoạch triển khai loại vũ khí này tại Alaska.
"Vụ phóng thử hôm Thứ 6 đã không thành công và vụ việc đang được đánh giá lại để tìm nguyên nhân dẫn đến vụ phóng thử thất bại", ông Little cho biết.
"Nhưng chúng tôi vẫn cho rằng chúng tôi có một hệ thống phòng thủ tên lửa đầy sức mạnh đã được triển khai để bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh đối phó với một loạt các mối đe dọa".
“Không có kế hoạch nào thay đổi kế hoạch tăng cường lên 44 tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất của chúng tôi", ông tuyên bố.
Hồi tháng 3, Lầu Năm Góc đã công bố họ có kế hoạch triển khai thêm 14 tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất ở Fort Greely, Alaska, vào năm 2017.
Số tên lửa này sẽ bổ sung cho 30 tên lửa đã được triển khai ở Alaska và California, tương đương tăng 50% tên lửa đánh chặn được triển khai tại lục địa này.
Kể từ năm 2010, Quân đội Mỹ đã tiến hành 3 vụ phóng thử tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất – với chi phí 70 triệu USD cho mỗi tên lửa – nhưng đều thất bại.
Trước đó, ngày 5-7, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã phóng thử tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Vụ phóng thử đã thất bại sau khi tên lửa đánh chặn không thể tiêu diệt được mục tiêu là một tên lửa đạn đạo giả định.
Tên lửa đánh chặn được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg của Mỹ ở bang California, để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa mục tiêu, được phóng đi từ đảo san hô Kwajalein ở Thái Bình Dương, nhưng đã không thành công.
Các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa phóng từ đất liền này đã diễn ra 16 lần nhưng tỷ lệ thành công chỉ là 8/16, đạt hiệu suất 50%, nhưng trên thực tế lần thành công gần đây nhất là từ năm 2008, còn sau đó 3 lần liên tiếp trở lại đây đều đã thất bại (2 cuộc thử nghiệm trước đều trong năm 2010).