Mỹ khai thác bí mật tiêm kích Su-35 từ mảnh xác bị bắn rơi tại Ukraine

ANTD.VN - Bí mật tiêm kích Su-35 siêu hiện đại của Nga có thể đã lọt vào tay Mỹ sau khi Washington tích cực tìm hiểu từ những mảnh xác chiếc chiến đấu cơ bị bắn rơi trên đất Ukraine.

Nguy cơ bí mật tiêm kích Su-35 lọt vào tay Mỹ là điều khiến giới chức quân sự tại Moskva tỏ ra đặc biệt lo lắng vào thời điểm hiện nay, tâm trạng này của họ rõ ràng là không thừa.

Tình báo phương Tây đã có được cơ hội vàng để kiểm tra tiêm kích Su-35 của Nga khi trong tháng 4/2022, một chiến đấu cơ loại này đã bị bắn rơi ở chiến trường miền Đông Ukraine bằng hỏa lực phòng không mặt đất.

Những mảnh vỡ của chiếc Su-35 này sau đó đã được thu gom và đưa thẳng tới Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng tại Vương quốc Anh. Tại đây, các kỹ sư của Anh và Mỹ đã dành nhiều ngày để phân tích các bộ phận của Su-35 được thu hồi.

Sau khi phân tích ban đầu ở Anh, mảnh vỡ đã được đóng gói và vận chuyển đến Nevada, nơi người Mỹ sẽ xem xét kỹ hơn để hiểu thật chi tiết về máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Với trình độ khoa học kỹ thuật cao, bí mật của Su-35 có lẽ khó mà giữ được

Được giới thiệu vào năm 2014, Sukhoi Su-35 Flanker là phiên bản cập nhật, cải tiến từ Su-27. Đây là một máy bay chiến đấu đa năng, lão luyện trong vai trò tiêm kích phòng không, Su-35 đã được sử dụng rất nhiều trong chiến tranh Nga - Ukraine.

Mặc dù dựa trên Su-27 nhưng Su-35 khác biệt về mặt ngoại hình so với người tiền nhiệm, nhờ có các bề mặt nâng nhỏ nằm phía trước cánh và phần mép cánh được định hình lại đã giúp chuyển hướng luồng không khí và giải quyết vấn đề rung lắc mà Su-27 gặp phải ở góc tấn cao.

Các sửa đổi cũng cho phép Su-35 có khả năng chịu quá tải ở mức 10G. Bề mặt kiểm soát cải tiến, kết hợp với hệ thống điều khiển "bay bằng dây" đã cho phép Su-35 đạt được khả năng cơ động cao hơn so với Su-27 cơ bản.

Su-35 nâng cấp cũng có hệ thống điều khiển vũ khí mới, với trọng tâm là N035 Irbis - một radar mảng pha quét thụ động với chế độ theo dõi xung Doppler, cho phép Su-35 theo dõi các mục tiêu bên dưới đường chân trời, tiêu diệt đa dạng mục tiêu mặt đất, mặt biển, trên không.

N035 Irbis là một nâng cấp đáng kể so với radar N001 Myech được sử dụng trên Su-27. Trong khi N001 chỉ có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và hướng 2 tên lửa đồng thời, thì N035 có thể theo dõi 15 mục tiêu và bắn tên lửa vào 6 đối tượng cùng lúc.

Cung cấp sức mạnh cho Su-35 là hai động cơ phản lực cánh quạt Saturn AL-41F1S với vòi phun kiểm soát vector lực đẩy, tương tự như thiết bị được tìm thấy trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ.

Các vòi phun của động cơ Su-35 cho phép tạo ra đặc tính bay siêu cơ động, bao gồm cả thao tác sau khi ngừng hoạt động, giống như động tác nhào lộn Rắn hổ mang Pugachev's Cobra nổi tiếng.

Động cơ của Saturn cung cấp lực đẩy hơn 13.600 kgf và cho tốc độ tối đa Mach 2,25. Su-35 có thể leo lên tới trần bay tối đa 18 km chỉ trong hơn một phút. Nếu duy trì độ cao hành trình lớn, Su-35 có tầm hoạt động vào khoảng 3.000 km.

Su-35 được trang bị nhiều loại vũ khí mạnh. Bên trong thân máy bay phản lực có một khẩu pháo tự động Gryazev-Shipunov GSh-30-1 cỡ 30 mm với 150 viên đạn.

Với 12 điểm cứng, Su-35 có thể mang theo khối lượng vũ khí 8 tấn, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm, tên lửa chống bức xạ và bom các loại.

Trên đây chỉ là những thông số cơ bản, còn khá nhiều tính năng kỹ chiến thuật của Su-35 được ẩn giấu, thông qua việc tìm hiểu kỹ mảnh xác máy bay bị bắn rơi, nhiều khả năng Mỹ sẽ tìm được bí mật của dòng chiến đấu cơ này.