Không quân Mỹ đã đưa vào sử dụng máy bay WC-135R Constant Phoenix với số hiệu
64-14831 mới từ ngày 11/5. Đây là dòng máy bay chuyên dụng có khả năng "đánh hơi hạt nhân" hàng đầu thế giới.
"Chúng tôi rất hào hứng với những gì máy bay này có thể mang lại. Nó sẽ tăng cường năng lực đưa ra quyết định của chúng tôi", Chỉ huy trưởng Không đoàn do thám số 45 của Không quân Mỹ Chris Crouch cho biết.
Máy bay trinh sát WC-135R Constant Phoenix là một trong những mẫu máy bay đặc biệt của Không quân Mỹ, chúng được phát triển dựa trên khung thân chiếc C-135.
WC-135R sẽ bay qua khu vực có không khí được cho là có chứa bụi phóng xạ, tiến hành lấy mẫu thử không khí và tiến hành thu thập dữ liệu trinh sát mặt đất, nhằm tìm ra vụ thử hay sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó qua trinh sát và phân tích của chiếc máy bay này cũng giúp Mỹ xác định được sức công phá của loại vũ khí hạt nhân mới được thử nghiệm.
Mẫu không khí sẽ được lấy thông qua 2 đầu hút đặc biệt được bố trí 2 bên thân máy bay.
Mỹ dự tính sẽ chế tạo 3 chiếc WC-135R, chúng dự kiến sẽ thay thế hai chiếc WC-135C / W đóng ở căn cứ không quân Offutt ở Nebraska.
Được biết những chiếc WC-135C/W được đưa vào sử dụng từ năm 1965, thay thế cho những chiếc WB-50 cổ điển của thập niên 1950.
WC-135R được trang bị động cơ CFM56 mới giúp hoạt động với hiệu suất tốt hơn và tiết kiệm hơn so với các dòng WC-135C/W trước đó.
WC-135R cũng sẽ có buồng lái hiện đại và các thiết bị liên lạc và điều hướng tốt hơn so với WC-135C/W.
WC-135W Constant Phoenix có chiều dài 42,65 mét, cao 13 mét, sải cảnh 39,88 mét.
Trọng lượng rỗng đạt 54.508 kg, trong khi trọng lượng cất cánh tối đa đạt 136.305 kg.
WC-135W sử dụng 4 động cơ phản lực phản lực giúp đạt tốc độ tối đa 649 km/h, tầm bay 6.400 km, trần bay 12.000 mét.
Phi hành đoàn của WC-135R gồm 33 thành viên bao gồm cả tổ lái.
Tuy nhiên số lượng phi hành đoàn trên WC-135R trong mỗi chuyến bay có thể ít hơn nhiều so với con số thực tế nhằm hạn chế thấp nhất số binh sĩ tiếp xúc với khu vực được cho là nghi bị nhiễm phóng xạ.
Các nhiệm vụ lấy mẫu không khí được Mỹ tiến hành thường xuyên ở Viễn Đông, Ấn Độ Dương, Vịnh Bengal, Địa Trung Hải, các vùng cực và ngoài khơi các bờ biển của Nam Mỹ và Châu Phi.
Máy bay thường không ở lại khu vực này trong thời gian nhất định, sau đó hoàn thành nhiệm vụ tương đối nhanh chóng rồi trở về Mỹ.