Mỹ đền bù hợp đồng tàu ngầm cho Pháp bằng... siêu tàu sân bay hạt nhân

ANTD.VN - Cung cấp siêu tàu sân bay hạt nhân có thể chính là cách Mỹ đền bù hợp đồng tàu ngầm cho Pháp nhằm duy trì mối quan hệ đồng minh giữa đôi bên.

Tạp chí Forbes cho biết, vào cuối tháng 10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thảo luận về triển vọng hợp tác quân sự trong cuộc gặp tại Rome, bao gồm cả nội dung Mỹ đền bù hợp đồng tàu ngầm cho Pháp.

Cụ thể, Mỹ sẵn sàng đề nghị với Pháp một hợp đồng đóng chung hàng không mẫu hạm, đặc biệt khi Paris và Washington có mục tiêu là bảo vệ các lợi ích kinh tế của riêng họ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Hiện tại cả hai nước đều phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giám sát hơn 4,3 triệu dặm vuông bề mặt đại dương và có nhu cầu thành lập một lực lượng phản ứng nhanh hoạt động dưới quyền bộ chỉ huy chung.

Bên cạnh đó, Pháp đang trong giai đoạn đầu cập nhật chương trình chế tạo hàng không mẫu hạm của mình. Tàu sân bay duy nhất hiện có của Paris - chiếc Charles de Gaulle (R91) dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối những năm 2030.

Để thay thế chiếc hàng không mẫu hạm nói trên, Pháp dự định đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cỡ trung bình với lượng giãn nước khoảng 40 nghìn tấn, họ đang quay sang Mỹ để nhờ hỗ trợ công nghệ khi còn tàu cũ bộc lộ khá nhiều bất cập.

Pháp muốn nhận được công nghệ EMALS - một hệ thống điện từ để hỗ trợ máy bay cất cánh thông qua máy phóng, điều này sẽ cho phép họ triển khai chiến đấu cơ nặng hơn trên tàu sân bay mới.

Trong cuộc họp G-20 ở Rome, hai nhà lãnh đạo đã nắm bắt cơ hội để tăng cường hợp tác quân sự, Mỹ và Pháp dự báo sẽ thay thế thỏa thuận tàu ngầm bị cản trở bằng một hợp đồng đóng tàu sân bay hiện đại có giá trị hơn và mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Cũng liên quan đến việc đền bù, Iran cuối cùng đã nhận được sự đồng ý sơ bộ từ Anh để thanh toán khoản nợ cho những chiếc xe tăng trong hợp đồng bị hủy gần 50 năm trước.

Cụ thể, Iran yêu cầu Anh phải bồi thường cho những chiếc xe tăng không được giao trong thập niên 1970, các vấn đề liên quan đến thanh toán khoản nợ đã được thống nhất, hai bên đồng ý về điều này, nhưng phương thức và quy trình vẫn chưa được quyết định.

Ngoài ra vẫn chưa biết sẽ mất bao lâu để phê duyệt, nhưng rõ ràng London không nóng vội trả cho Iran 400 triệu Bảng (tương đương 535 triệu USD). Những cuộc đàm phán về việc hoàn tiền đã diễn ra từ năm 2012 nhưng có thể kéo dài vô thời hạn.

Cần nhắc lại, Tehran đang đòi London bồi thường cho một hợp đồng bị phá vỡ hồi năm 1974, theo đó công ty Dịch vụ Quân sự Quốc tế (IMS) của Anh cam kết cung cấp cho Iran hơn 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Chieftain.

Tuy nhiên do cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và việc lên nắm quyền của các giáo sĩ tại đất nước này, London đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng.

Vụ kiện tụng kéo dài khá lâu, nhưng vào năm 2012, Tòa án Công lý Quốc tế đã yêu cầu Anh bồi thường cho Iran 400 triệu Bảng. Mặc dù vậy London đang viện ra một lý do khác khiến họ không thể bồi thường.

Phía Anh nói rằng người nhận khoản tiền là Bộ Quốc phòng Iran, trong khi pháp nhân này đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Ngoài ra hợp đồng được ký với chế độ quân chủ Iran chứ không phải Cộng hòa Hồi giáo ngày nay.

Giới phân tích quốc tế đánh giá, mặc dù thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ liên quan đến việc bồi thường, nhưng người Anh sẽ làm mọi cách để không phải trả khoản tiền trên.