Mưa lũ lớn hoành hành, người dân nhiều địa phương thiệt hại nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản và người... Trong đó, nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng như Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Cao Bằng...

Bất ngờ trước trận lụt lớn

Từ đêm 8-6 đến sáng ngày 9-6, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có mưa, nhiều nơi mưa rất to như: TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, thị xã Đông Triều, huyện Đầm Hà... Đặc biệt là TP. Uông Bí, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến thành phố ngập sâu trong nước.

Hình ảnh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày 9-6

Hình ảnh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh ngày 9-6

“Hơn 3 năm ở TP.Uông Bí sinh sống và làm việc, chưa bao giờ tôi nghĩ thành phố này lại bị ngập lụt lớn đến thế. Sáng dậy xuống nhà thì tầng 1 đã ngập nước, không thể đến công ty làm việc được” – chị Nguyễn Thu Hương, quê ở Nam Định, chia sẻ.

Theo chị Lê Điệp Nga, lũ lụt tại TP.Uông Bí khiến chị nhớ tới trận mưa lũ lịch sử ở Lào Cai quê ngoại chị vào năm 2016. “Năm đó, từ trường cấp 3 về nhà chỉ vài cây số mà chị đã phải di chuyển bằng xe máy rồi lại chuyển sang đi thuyền, rồi lại lên xe khách... mới về được đến nhà. Nghĩ lại trận mưa lũ ở Lào Cai hồi đó tôi vẫn thấy sợ.

Toàn thành phố Uông Bí bây giờ chỉ còn vài nơi an toàn chưa bị ngập. Hàng hóa của gia đình tôi bị lũ cuốn trôi hết. Nhìn tài sản trôi đi mà không thể chạy theo để vớt được vì sợ nguy hiểm, mà vớt cũng cũng không xuể” – chị Nga cho hay.

“Lần đầu tiên thấy TP.Uông Bí lại bị lũ lụt lớn như thế này. Thật khủng khiếp” - anh Hoàng Minh Tùng ở TP.Uông Bí than.

Đến sáng 10-6, nhiều khu vực tại TP.Uông Bí nước đã rút, lực lượng chức năng phối hợp cùng người dân khắc phục những hậu quả do mưa lũ gây ra.

Lập lại lịch sử lũ lớn tại Hà Giang

Từ khoảng 3h sáng ngày 10-6, mưa lớn tại nhiều huyện của tỉnh Hà Giang. Nước từ các đỉnh núi bao quanh đổ xuống đường như dòng thác. Thành phố bị ngập sâu trong nước, nhiều khu vực ngập tới hơn 1m, người dân phải trèo lên mái nhà chờ được giải cứu.

Người dân được lực lượng chức năng ứng cứu trên nóc nhà

Người dân được lực lượng chức năng ứng cứu trên nóc nhà

Ông Lê Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lũ đã khiến ba người chết, trong đó, một người bị vùi lấp do sạt lở, hai người bị lũ cuốn trôi.

Trong đó, hai nạn nhân bị lũ cuốn là hai bố con, anh Lý Chàn H. (sinh năm 1997) và con trai là Lý Hưng Th. (sinh năm 2021), cùng trú tại thôn Tân Thượng, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Khoảng 8 giờ ngày 10-6, người dân địa phương và các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể các nạn nhân.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, lúc 4h30 sáng nay, mực nước trên sông Lô tại trạm thủy văn TP.Hà Giang đã vượt báo động ba 0,05m. Trong những giờ tiếp theo nước tiếp tục lên trên báo động ba từ 1 đến 1,5m, gây ngập lụt diện rộng.

Ban chỉ đạo đã yêu cầu Hà Giang triển khai lực lượng hỗ trợ người dân, rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, hồ chứa thủy lợi.

Trước đó chiều 9-6, Hà Giang mưa lớn, nước từ các khe núi đổ ra đường xuống sông Nho Quế ở huyện Mèo Vạc khiến nhiều xe khách, xe tải và xe máy của du khách bị mắc kẹt.

Thành phố Hà Giang là một trong những khu vực có nguy cơ cao về lũ, ngập lụt trong khu vực Miền núi phía Bắc. Thành phố thường xuyên bị ngập bởi lũ sông Lô, sông Miện và các trận mưa lớn nội tại, điển hình là trận lũ tháng 9-2014, tháng 6- 2018, và trận lũ gần đây nhất vào ngày 20, 21-07-2020.

Các phương tiện giao thông ngập chìm trong nước ở Hà Giang

Các phương tiện giao thông ngập chìm trong nước ở Hà Giang

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc bị ảnh hưởng trong những ngày qua. Ngày 9-6, TP Hải Phòng cũng xảy ra ngập lụt. Khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, triều cường đạt đỉnh cùng với lũ về nâng mực nước tại các sông lên 4,2m. Đây là đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay.

Các tuyến đường chính trong nội đô như Lê Hồng Phong, Cầu Đất, Lạch Tray, Tô Hiệu, Lê Lợi... đều bị ngập. Mức độ ngập cao nhất lên đến khoảng 40cm. Nước ngập sâu đã khiến nhiều phương tiện giao thông bị chết máy, gặp sự cố.

Còn tại Cao Bằng, các sông suối ở tỉnh Cao Bằng dâng cao, đặc biệt trên Sông Gâm ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng trên mức báo động 3.

Tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), trận mưa lớn kéo dài sáng 9-6 đã gây ngập úng cục bộ trên một số tuyến đường...