Người dân Chương Mỹ đi tạm cư: Mong lũ rút để được về nhà!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ trong vòng 2 tháng nay, Báo An ninh Thủ đô đã hai lần có đoàn công tác đến chia sẻ, tặng quà bà con vùng ngập, lụt ở Chương Mỹ. Những gì tận mắt trông thấy, những câu chuyện ở nơi tạm cư tránh lụt mới hiểu, mong mỏi duy nhất của những người dân Chương Mỹ đi tạm cư là “Mong lũ rút để được về nhà!”
Những mâm cơm được chuẩn bị chu đáo cho bà con tạm cư tránh lũ ở trường THCS Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ

Những mâm cơm được chuẩn bị chu đáo cho bà con tạm cư tránh lũ ở trường THCS Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ

Ngày đêm “3 cùng” vì sự an toàn của người dân

Là vùng trũng, sát 2 con sông với với hệ thống đê được xây dựng đã rất lâu, thường xuyên bị ngập lụt nên lực lượng chức năng ở Chương Mỹ đã quen với việc báo động mỗi khi mưa lớn lũ lên.

Trung tá Trần Hữu Thạo, Trưởng Công an xã Nam Phương Tiến dẫn chúng tôi vào sâu trong một căn nhà vẫn còn xâm xấp nước tới ngang bụng và cho biết: do là khu vực trũng nhất Nam Phương Tiến nên Nhân Lý chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt ngập kéo dài vừa qua. Vào giai đoạn cao điểm, nhiều chỗ nước dâng tới gần mái nhà. Con đường bê tông chạy dọc thôn cũng chìm sâu trong gần 2 mét nước.

Công an xã cùng 30 thành viên lực lượng Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã đến từng nhà dân vận động, hỗ trợ người dân di dời khỏi nơi ngập nặng, tới các điểm tạm cư thật sự an toàn.

“Hiện các nơi ngập sâu ở Nam Phương Tiến, mọi người dân đều đã được đưa đi tạm cư ở nơi an toàn. Mỗi khu vực chỉ có 1,2 thanh niên là nòng cốt lực lượng Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bám trụ để cùng Công an xã tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tài sản của nhân dân.

Nói thế là để thấy, những kịch bản ứng phó, mỗi phần việc đều được phân công cụ thể, nước lên là chính quyền phải nhanh chóng nhất đưa người dân đến nơi an toàn. 7 đồng chí công an xã Nam Phương Tiến chúng tôi trực 100% từ khi nước lên đến hôm nay đã 11 ngày. Nhìn bà con an toàn mới yên tâm được - đặc biệt không được để bà con phải chơi vơi giữa biển nước…”, Trung tá Trần Hữu Thạo nói.

Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô tặng CAX Nam Phương Tiến máy lọc nước bán công nghiệp

Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô tặng CAX Nam Phương Tiến máy lọc nước bán công nghiệp

Còn trẻ, năng nổ, cán bộ xã Mỹ Lương Nguyễn Văn Tuyền xắn quần đưa chúng tôi đi qua đoạn đê sông Bùi dài 8km qua xã mà mấy ngày nay, lực lượng chức năng xã đã căng mình đắp bao cát cao thêm 1,5m để ngăn nước tràn thêm vào khu dân cư.

Qua đoạn đường đồng sát đê nước cuồn cuộn, cán bộ Tuyền nói: “Đây mới chỉ là nước rỉ ra từ đê thôi các anh ạ. Mấy hôm trước thì hơn rất nhiều. Anh em căng mình đắp đê là để bảo vệ thêm những thôn xóm chưa bị ngập. Tài sản dù nhỏ nhất của người dân cũng phải trân trọng”

Di dời bà con đến nơi an toàn rồi thì vấn đề làm sao chăm sóc cho bà con chu đáo cũng rất quan trọng. Mẹ, vợ liệt sỹ, gia đình chính sách được bố trí đến những gia đình có điều kiện, hoặc người thân ở những nơi không ngập để được chăm sóc chu đáo. Các điểm tạm cư đều được bố trí ở trường học, nhà văn hóa gần với UBND các xã. Lãnh đạo xã, UB MTTQ xã, cán bộ xã “3 cùng” 24/24h sát cánh tại chỗ với bà con.

Cán bộ xã Mỹ Lương Nguyễn Văn Tuyền hàng ngày vẫn giúp đỡ, thăm hỏi người dân trong khu tạm cư tránh lũ

Cán bộ xã Mỹ Lương Nguyễn Văn Tuyền hàng ngày vẫn giúp đỡ, thăm hỏi người dân trong khu tạm cư tránh lũ

Dân tạm cư tránh lụt được chăm sóc chu đáo

Tại điểm tạm cư tránh lụt cho hơn 132 người dân xã Mỹ Lương đặt ở trường THCS Mỹ Lương, Chủ tịch UB MTTQ xã Mỹ Lương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng nhiều cán bộ trực ở lại với bà con.

“Chúng tôi bố trí 1 trạm y tế ngay trong trường để phục vụ bà con. Từng bữa cơm phục vụ nhân dân tạm cư tránh lụt cũng phải được kiểm tra kỹ càng. Người dân cần gì là phải có mặt ngay.

Chúng tôi cũng ứng trực ở đây đêm ngày để đón các đoàn thiện nguyện. Hàng tới, bốc dỡ thật nhanh, xác nhận rồi phải chuyển ngay”, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Lương cho biết.

Điểm tạm cư tránh lụt được đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô lắp đặt máy lọc nước bán công nghiệp công suất 50 lít/ giờ, càng khiến đồng bào thêm yên tâm. Rồi đây, sau khi hết ngập lụt, lũ rút thì họ trở về nhà, trả lại ngôi trường cho các cháu học sinh THCS Mỹ Lương thì máy lọc nước tiếp tục được giáo viên và học sinh nơi đây sử dụng hàng ngày. Món quà thật đúng lúc và thiết thực là bởi thế.

Người dân tạm cư tránh lụt ở trường THCS Mỹ Lương được chính quyền xã bố trí vào các phòng học, có gối, chăn, màn đầy đủ. Những bữa cơm tạm cư vẫn rôm rả chuyện xóm chuyện làng, nhưng có điều, bà con đôi lúc vẫn nhìn về phía xa xa nhà mình với mong mỏi nước rút để sớm trở về nhà.

Trung tá Chu Quốc Dũng, Phó Trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô trò chuyện và giúp ông ông Mai Thế Ba (67 tuổi) ở xóm 2, thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương đi qua chỗ ngập

Trung tá Chu Quốc Dũng, Phó Trưởng Ban Biên tập An ninh Thủ đô trò chuyện và giúp ông ông Mai Thế Ba (67 tuổi) ở xóm 2, thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương đi qua chỗ ngập

Chiều 18-9, sốt ruột quá, ông Mai Thế Ba (67 tuổi) ở xóm 2, thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương nhờ một cán bộ xã đèo về đầu làng. Với cái lưng còng, ông Ba tay cầm dép, lội vào đầu ngõ nhà mình. Nhà ông vẫn ngập sâu đến lưng nhà. Chưa an toàn để trở về.

Tâm sự với đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô, ông Ba nói: “Người dân ở đây thì cũng quen với lũ lụt nhưng lần nào cũng thế. Dù tạm cư được chăm sóc chu đáo nhưng phải xa nhà là tôi lo lắng lắm. Tài sản không nhiều, nhưng đó là nơi ăn, chốn ở của 3 ông cháu. Không lo làm sao được. Bao giờ mới hết mưa, nước rút đây, tôi chỉ mong sớm được về nhà. Xót xa lắm, vẫn phải chờ đợi thôi”…

Tối nào cũng vậy, cán bộ trẻ Nguyễn Văn Tuyền lại đi thăm hỏi các phòng tạm cư ở trường THCS Mỹ Lương. Tuyền giúp các em nhỏ học bài, hỏi thăm người cao tuổi.

Tuyền chia sẻ: “Các ông bà, các bác, các chú, các em cứ coi chúng cháu như con cháu trong nhà. Có điều gì không nên, không phải, cứ góp ý cho chúng cháu lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện thêm. Nước rút, chúng cháu đưa mọi người về nhà, cùng dọn dẹp và cùng bữa cơm sau lũ nhé…”.

Dân vùng tạm cư tránh lụt trong nỗi xót xa trông ngóng ngày về nhà, thấy vơi đi những khó khăn, vất vả của ngày hôm nay...