Thành tựu của “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo.
Việt Nam được quốc tế đánh giá cao khi là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện giảm nghèo đa chiều

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao khi là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện giảm nghèo đa chiều

Những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Surya Deva - Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển - tại phiên đối thoại với các nước về “tổng kết” các hoạt động của Báo cáo viên đặc biệt trong năm vừa qua. Phiên đối thoại diễn ra ngày 18-9 tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ và trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang diễn ra tại đây. Trong đó, khi thông tin về chuyến thăm Việt Nam trong năm qua, từ ngày 9 đến 15-11-2023, Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển Surya Deva đã bày tỏ, cảm ơn sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan và các tổ chức liên quan trong suốt chuyến thăm. Ông khẳng định, trong chuyến thăm đã chứng kiến những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế, triển khai các chương trình an sinh xã hội.

Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển Surya Deva nhấn mạnh, Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo. Ông cũng đánh giá cao cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều của Chính phủ Việt Nam.

Những nhận định, đánh giá đúc rút qua chuyến làm việc tại Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế, triển khai các chương trình an sinh xã hội trong suốt hàng chục năm qua. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nằm trong tốp 4 của ASEAN và trong tốp 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Đặc biệt Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển con người, nổi bật là công cuộc giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, tổng thu nhập quốc dân (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Việt Nam đã giảm một nửa. Nếu như năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD thì đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Góp phần rất quan trọng để đạt được những con số ấn tượng trên, nguồn lực Nhà nước dành cho xóa đói giảm nghèo đã tăng từ 200 tỷ đồng năm 1993 lên 12.000 tỷ đồng năm 2020. Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị - nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 - 2022.

Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Đặc biệt, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, kết quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022.

Theo Báo cáo Phát triển Con người mới nhất của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107 và Việt Nam hiện được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao trên thế giới.

Không để lại ai ở phía sau

Để trở thành điểm sáng về giảm nghèo so với quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện với nhiệm vụ đặt ra là phải phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về giảm nghèo.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, “tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững”, đồng thời đặt mục tiêu “Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng nằm”. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện, Quốc hội đã phê duyệt triển khai thực hiện thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là các nguồn lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết đối với 6 vùng trong cả nước về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu giảm nghèo bền vững của từng vùng.

Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn.

Được ví như như “một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được UNDP và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố vào trung tuần tháng 7-2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.

Những thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo của Việt Nam được quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Những thành tựu đó là minh chứng cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, bà con vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn với quyết tâm cao “không để lại ai ở phía sau”. Đó cũng là nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.