Một kẻ mang án kể lại ý định nhảy lầu

ANTĐ - “Nếu không bị còng số 8 siết ở tay cùng với một đồng đảng khác thì tôi đã nhảy lầu tự vẫn sau khi phiên tòa tuyên án lần thứ hai là 10 năm tù…”- đó là lời kể  của Trình Văn Lợi (SN 1969, trú tại xóm Đông Thành, xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) về quá khứ cách đây gần 20 năm về trước khi gã vào tù lần thứ hai với tội danh trộm cắp tài sản.

Anh Trình Văn Lợi đang chỉnh lại máy để chuẩn bị mùa

Trùm trộm cắp sừng sỏ

Là con thứ ba trong gia đình nghèo có 9 anh chị em. Bố mất sớm nên con đường học hành của Lợi sớm bị gác lại. Lợi ở nhà cùng với các chị phụ giúp mọi việc với mẹ. Năm lên 18 tuổi, Lợi tham gia nghĩa vụ quân sự. Hết thời gian phục vụ ở quân ngũ, Lợi trở về quê hương và lập gia đình sau đó 1 năm. Kinh tế eo hẹp, dù đã thử mọi nghề để sinh nhai nhưng vẫn không có gì cải thiện hơn so với trước.

Để kiếm tiền nhanh mà không phải mất sức nhiều, được bạn bè rủ rê trộm cắp, Lợi đã đồng ý luôn mà không suy nghĩ gì. Trong lần thực hiện vụ ăn trộm với những người bạn, Lợi đã bị bắt và chịu mức án là 4 năm 3 tháng tù giam tại Trại giam Thanh Phong (Nông Cống, Thanh Hóa). “Vào tháng 3-1991, tôi cùng với hai người bạn lấy trộm mô tơ phát điện của Trạm máy kéo xã Nga Nhân (thuộc huyện Trung Sơn cũ, nay là huyện Nga Sơn) thì bị bắt”, Lợi nhớ lại ngày  bước chân qua cánh cổng nhà tù. 

Năm 1994, sau khi mãn hạn ra tù trở về với gia đình, Lợi không ăn năn hối cải mà trở nên ngông cuồng và hiếu chiến hơn. Bà con hàng xóm cứ gặp là tránh xa, không ai dám dây vào kẻ tù tội. Vợ lam lũ làm ra được đồng nào thì Lợi mang đi chơi bời bằng sạch khiến kinh tế gia đình trở nên khánh kiệt. Có mảnh đất trước khi cưới, bố mẹ cho vợ chồng Lợi làm vốn ra ở riêng thì đã bị bán đi để đền bù lại số tài sản mà Lợi trộm cắp khi đi tù. Ra tù, vẫn chứng nào tật ấy, không những không chịu tu chí làm ăn mà Lợi lại gia nhập vào phường trộm cắp. Với những năm tháng có “nghề”, lại vào tù ra tội, với cái “mác” mới ở tù về, Lợi được phong làm đại ca, trở thành một kẻ có máu mặt trong đám giang hồ và đứng ra thu phục đàn em,  cầm đầu một băng đảng trộm cắp ở xã.

 Với ảo mộng, sẽ đổi đời bằng trộm cắp, nhưng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, Lợi bị bắt trong một lần trộm cắp và lần thứ hai  gã phải bước chân qua cánh cổng nhà tù. Đó là vào năm 1996, khi thực hiện vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn xã, Lợi khởi xướng và chỉ điểm cho 6 đứa đàn em thực hiện nhưng không trực tiếp tham gia. Tội danh này, gã bị tuyên phạt 10 năm tù và chấp hành án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa). “Nếu không bị còng số 8 siết ở tay cùng với người bạn tù thì tôi đã nhảy lầu tự vẫn sau khi phiên tòa tuyên án xong. Nhưng nhìn thấy vợ héo khô, dẫn cùng đứa con gái đầu đi theo, tôi đã không còn đủ dũng khí để tự tử nữa”, Lợi tâm sự.

Ở trong tù, nghĩ lại những “chiến tích” của mình đã từng lập nên gã thấy hối hận, muốn chuộc tội với bố mẹ, vợ con và xã hội. Muốn chuộc lỗi với gia đình thì không còn cách nào khác là cải tạo tốt để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Năm 2002, Lợi ra tù trở về địa phương trước thời hạn gần 3 năm. Lần này gã trở về với quyết tâm làm lại từ đầu. Vì sợ bạn bè lại đến rủ rê Lợi quay lại con đường cũ nên chỉ ở nhà được 1 tuần, Lợi bàn với vợ và quyết định vào niềm Nam làm ăn. Làm được gần 3 năm thì có một số bạn bè xấu trong nhóm cũ lại lân la, nhưng Lợi bỏ qua và quay trở về quê. Đó là điều không hề dễ dàng đối với Lợi. Dù đã gần 3 năm đi làm ăn, nhưng dân làng vẫn nhìn anh với ánh mắt kỳ thị, dò xét. “Ban đầu tôi về chẳng có ai tin tôi. Mua 2kg đậu tương về làm đậu phụ để bán, không có tiền tôi có nợ lại. Đến sáng sớm ngày hôm sau, người ta đã đến nhà đòi nợ. Mà mới sáng ra thì đã bán được thanh đậu nào đâu. Thế là tôi phải đi kéo xe thuê để trả nợ”- Lợi kể lại những ngày khó khăn khi trở về với cộng đồng. Khó khăn là vậy, với nỗ lực và được sự quan tâm  của người thân, nhất là quỹ “Doanh nghiệp với an ninh trật tự” và ngân hàng chính sách đã cho gia đình Lợi vay 55 triệu đồng phát triển làm ăn.

Hạnh phúc khi giờ anh trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ và các con

Tình yêu làm nên điều kỳ diệu

Đúng như câu tục ngữ mà cha ông ta từng nói “của chồng công vợ”. Nếu như ngày ấy, không có người vợ đảm Nguyễn Thị Liệu (SN 1970) thì trùm trộm cắp này khó có thể trở thành người chồng, người cha tốt như ngày hôm nay. Trước đây Trình Văn Lợi là một anh chàng thanh niên tính tình hiếu thắng, hống hách. Các vụ đánh nhau nào ở làng, chỗ nào cũng có mặt của Lợi. Ngày đó thì chị Liệu là một cô gái quê, con nhà gia giáo, đẹp cả người lẫn nết nên không ít chàng trai theo đuổi. Không hiểu ông tơ bà nguyệt xe duyên như thế nào, mà chị Liệu lại siêu lòng trước lời tỏ tình của Lợi. Khi đưa về ra mắt, bố mẹ chị đã kịch liệt phản đối. Dù vậy, chị vẫn quyết lấy Lợi.

Sau một năm cưới nhau. Biết tính chồng ham chơi, nhưng chị không thể tin rằng anh sẽ phạm tội như vậy. Khi ấy chị vừa mới sinh con gái đầu lòng. Tủi nhục ê chề, người vợ trẻ này có ý định dọn về nhà bố mẹ đẻ để sống. Nhưng nghĩ đến con, không muốn con mình lớn lên không có cha và không nỡ để chồng một mình trong lúc này. Chị ở lại, tảo tần nuôi con và động viên chồng rèn luyện tốt để sớm trở về gia đình. Tháng nào, chị cũng đi xe đạp từ 3 giờ rạng sáng đến 6 giờ sáng vượt qua gần 100 cây số để lên thăm chồng. Chị Liệu nói: “Bản chất anh ấy rất tốt nhưng vì nghe bạn bè. Tôi tin anh sẽ một ngày nghĩ ra về với hai mẹ con tôi”.

Nhưng niềm tin đó đã bị vùi tắt sau khi anh ra tù được 2 năm, chồng chị lại phạm tội lần thứ hai với mức án 10 năm. Cũng là kiếp làm vợ, nhiều người được hưởng phúc từ chồng. Còn chị, hàng đêm chị này khóc cạn nước mắt vì thương cho các con và số phận hẩm hiu của mình. Nén tủi nhục, đau khổ vào trong, một lần nữa chị lại một mình nuôi con. Chiều đi mua dây rau khoai lang về, đến 2 giờ rạng sáng ngày hôm sau, chị lại đèo bằng xe thồ lên tận chợ Bỉm Sơn cách vài chục cây số. Hết mùa rau, chị lại đi bán kem. Dấu chân của chị in khắp trên nẻo đường để mò vót từng đồng về mua gạo, đóng tiền học cho con. Chị Liệu rơm rớm nước mắt nói: “Khi đó, hai con còn nhỏ, tôi phải gửi bà nội để đi đóng gạch thuê ngày 7.000 đồng và bán rau. Nhưng tiền kiếm cũng chẳng được là bao. Đến nỗi nồi nấu cơm không có vung phải lấy lá bầu che, lấy gạch chặn. Khổ và tủi lắm”.

Miệng nói vậy nhưng chị vẫn hi vọng anh sẽ nhận ra lỗi lầm và cải tạo tốt sớm trở về với vợ con chị. Có thời gian rảnh, chị đi thăm chồng. Chứng kiến chồng cải tạo tốt, chị vui mừng và hạnh phúc lắm. “Sau khi lên thăm anh, tôi được cán bộ nói là anh rèn luyện và cải tạo rất tốt. Mừng lắm, nên ở nhà tôi luôn động viên các con cố gắng học tập cho tốt và sau này bố sẽ về đỡ đần mẹ con”-chị Liệu tâm sự. Ra tù, anh quyết định đi miền Nam làm ăn. Không yên tâm nên ở nhà chị Liệu bán lợn gà và cả con bò mà chị mua chịu người họ hàng cũng đành bán để theo chồng. “Tôi sợ anh trở về con đường cũ nên tôi gửi các con cho ông bà nội ngoại vào Nam cùng anh”.

Đến giờ, vượt qua biết bao khó khăn thử thách, anh chị có cơ ngơi khá vững chắc.  Ngoài nuôi lợn, nấu rượu, anh chị hiện đang liên kết với hợp tác xã Nga Nhân chịu trách nhiệm toàn bộ về dịch vụ nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân như máy cày, gặt, cấy… Điều làm anh chị hãnh diện, là các con của anh chị đều ngoan ngoãn học giỏi. Hiện con gái đầu đã tốt nghiệp đại học ra trường và xây dựng gia đình, còn cậu con trai út đang học đại học. Ngồi trong ngôi nhà mái bằng khá khang trang, anh Trình Văn Lợi khoe với chúng tôi: “Tất cả là của vợ tôi đấy! Những năm sa ngã, tủi nhục ấy mà không có sự tha thứ, bao dung của Liệu có lẽ đời tôi đã rơi vào vũng đen rồi”.

Hội của những người đã ra tù

Có như ngày hôm nay, anh Trình Văn Lợi không bao giờ quên sự giúp đỡ của tổ chức, chính quyền, đặc biệt quỹ “doanh nghiệp với an ninh trật tự” đã giúp anh có điều kiện phát triển kinh tế và lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Trong năm 2013, sau khi kết thúc lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi- trồng trọt, do Công an huyện Nga Sơn tổ chức, anh Lợi đã nảy ra ý định thành lập một hội của những người sau khi hết hạn tù trở về địa phương. Mục đích xây dựng và tạo điều kiện cho các thành viên trong hội được vay vốn làm ăn chính đáng. Thông qua hội, các thành viên sẽ được giúp đỡ về kỹ năng sống xóa bỏ quá khứ, vượt qua khó khăn, hoàn thiện bản thân và sống tốt hơn.

Qua bàn bạc với một số thành viên trong lớp học, nhận được sự ủng hộ, anh đã mạnh dạn cùng với một số anh em đứng ra thành lập tổ hợp VAC. Hiện nay, số thành viên là 13 người với tổng số vốn là 25 triệu. Số vốn trên, tổ đã cho 3 thành viên có điều kiên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.