Hạnh phúc của hai phận người lầm lỡ trong trại giam

ANTĐ - Họ đều là những phạm nhân đã từng mang “trọng tội” bị quản thúc tại Trại giam Đắk Tân (đóng trên địa bàn xã Ea Pin, huyện Mđrắk, tỉnh Đắk Lắk thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), nhưng họ đã cùng cải tạo tốt để được giảm án, trở về với cuộc sống bình thường. Chuyện hoàn lương với cái kết có hậu của hai mảnh đời lầm lỡ đến với nhau ở nơi đây vẫn luôn được nhiều người nhắc tới đầy cảm động.

Dù còn nhiều khốn khó, nhưng với anh Đoán ngày hoàn lương là ngày hạnh phúc nhất

Về miền nắng gió

Những ngày cuối mùa mưa, con đường ngai ngái đất đỏ ở một nơi từng được coi là có nhiều trọng phạm nhất cả nước dẫn chúng tôi đến những phận đời đặc biệt ấy. Nhiều người bảo đặc sản chỉ có “nắng, gió, và muỗi đốt” ở xã Ea Pin này có rất nhiều những phận đời lầm lỗi, họ đã đánh mất những tháng ngày tươi đẹp của mình nhưng họ đã biết quay lại,  cải tạo tốt để được trở về hòa nhập với cộng đồng. Tôi đi sâu vào làng, trời chiều cao nguyên trong veo, bên trái bếp nhỏ là gia đình của anh Bùi Văn Đoán, một trong những công dân “đặc biệt” ở đây.

Câu chuyện của cựu trại viên quê gốc Hòa Bình khét tiếng có cái tên rất “kêu” này cho tôi biết về quá khứ lỗi lầm của anh. Cái tên mới nghe đến đã thấy khác lạ, như dự báo một tương lai khó đoán định. Quả thực, đời anh đầy những ngã rẽ, mà có lẽ tiếc nuối nhất là anh đã gây án giết người khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tuổi trẻ của Đoán chỉ biết ăn chơi lêu lổng, bao nhiêu lời dạy bảo của cha mẹ và thầy cô đều bỏ ngoài tai. Và Đoán phải trả giá cho những ngày tháng đó bằng hình phạt 20 năm tù về tội Giết người. Mẹ anh buồn quá lâm bệnh nặng mà chết. Trong tù nghe tin mẹ mất, anh chỉ biết khóc, thầm hứa với linh hồn của mẹ là ra tù anh sẽ làm lại từ đầu, sẽ thành người tốt để tạ lỗi với mẹ. Anh Đoán buồn buồn cho biết: “Mình đã đánh mất tuổi trẻ trong trại giam, đã khiến gia đình mình đau đớn, rồi mẹ buồn quá mà đổ bệnh mất mà mình cũng chẳng về để chịu tang được. Mình thấy bất hiếu quá!”. Hai mươi năm trả án là quãng thời gian dài đằng đẵng, cũng đã không ít lần anh Đoán đã định buông xuôi cuộc đời mình cho số phận đẩy đưa, nhưng chính anh cũng không ngờ rằng, trại giam không chỉ là nơi gột rửa tâm hồn mà còn là bến đậu hạnh phúc của cuộc đời mình. Những ngày thụ án tại trại giam này, được sự khích lệ, động viên của cán bộ quản giáo, anh đã tu tâm cải tạo, trở thành một phạm nhân tiến bộ. Thụ án 17 năm, anh được ân xá.

Ngày ra khỏi trại giam

Ngày ra khỏi cánh cửa nhà giam, anh bắt đầu viết nên một câu chuyện tình đẹp và có hậu như cổ tích trong thời gian thụ án, và đó cũng là lý do đã níu giữ một người như anh ở lại mưu sinh, lập nghiệp ở mảnh đất nghèo này.

Chị Vũ Thị Tươi (42 tuổi, vợ anh Đoán bây giờ) là người phụ nữ đã cứu rỗi cuộc đời anh, hay cũng có thể nói ngược lại, hoặc đúng hơn là tình yêu đã cứu rỗi họ. Hai người đều phải thụ án trong trại giam này. Tất cả chỉ vì cuộc sống mưu sinh. Lúc đầu chỉ là mua ma túy về bán lẻ, sau thấy lợi nhuận ngất trời, chị đã lao vào buôn bán cái thứ hàng chết người đó. Đồng tiền đã làm cho người đàn bà vốn nghèo khổ từ nhỏ này mờ mắt. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, buôn bán thứ hàng trắng chết người được một thời gian, Tươi bị bắt trong lúc đang vận chuyển ma túy. Với tội danh buôn bán, sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy, chị cũng phải vào đây cải tạo. Lúc chị vào thì anh đã “bị” 20 năm, còn chị thì 8 năm. Ngày chị mới vào trại, anh đã “ở” được vài năm. Ngày đó hai phân trại nam và nữ chỉ cách nhau một bức tường thấp, phía trên dây thép gai chằng chịt. Những buổi chiều sau giờ lao động ra sân đi dạo, chị không thể rời mắt khỏi một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ, gương mặt ảm đạm cứ ngồi bần thần ở góc sân phía bên kia. Anh ta hầu như không cười, không nói, ánh mắt xa xăm như đang thoát khỏi thực tại. Sự cô độc biểu hiện trong dáng vẻ của người tù nam ấy khiến mỗi đêm về chị đều thao thức không ngủ, lòng băn khoăn tự hỏi cái gì đã biến anh thành một người như thế. 

Nhiều ngày tháng đã trôi qua, chiều nào chị cũng kiên nhẫn đứng ở bên này bức tường nhìn sang chỗ anh ngồi cho đến giờ cấm trại, không hề thấy chán nản, hay thất vọng. Cái ngày ánh mắt anh ngước lên, nhìn đăm đắm về phía chị và nở một nụ cười hiền trong một buổi biểu diễn văn nghệ của trại, đó là lần đầu tiên chị thấy anh cười trong suốt những tháng ngày tù đày ở đây, lúc đó chị gần như sắp khóc, trái tim run lên, loạn nhịp.

Hai người âm thầm đến với nhau, trò chuyện cùng nhau, ban đầu chỉ là những nụ cười, những cái gật đầu chào nhau khi cùng được ra ngoài lao động. Lâu dần, những lá thư gửi qua gửi lại giữa hai phân trại nam nữ cứ nhiều lên. Mà đặc biệt dường như có thần giao cách cảm nên những bức thư anh chị gửi cho nhau thường có nội dung rất giống nhau. Chị viết thư tâm sự với anh về những sai lầm của mình, khi lá thư chưa đến tay anh thì chị đã nhận được thư anh gửi động viên chị cố gắng vượt qua những sai lầm để làm lại cuộc đời. Chị viết thư hỏi anh về hoàn cảnh gia đình, thì gần như ngay lập tức, chị nhận được thư anh tâm sự về bố mẹ với bao muộn phiền ân hận. Mấy năm yêu nhau trong trại giam, cả chị và anh đều thấy thời gian cải tạo như ngắn lại. Họ cùng động viên nhau cố gắng phục thiện để xây đắp tương lai.

Ngày chị Tươi hết thời gian cải tạo, gặp nhau, chị đã nói với anh Đoán một câu “tỏ tình hay nhất” khiến anh không khỏi bối rối vì bất ngờ: “Em ra trước, sẽ đợi anh. Anh hãy ở lại mảnh đất H’ra này. Đất này tuy nghèo nhưng con người tình cảm lắm. Mình sẽ sống chung một nhà, mình sẽ nuôi con, sẽ làm lại từ đầu!”. Chính lời tỏ tình đặc biệt ấy đã khiến anh Đoán thấy yêu hơn cuộc sống và con người ở đây, và chỉ gần 4 năm sau, nhờ cải tạo tốt anh đã được ân xá. Ngày ra trại, chị Tươi đến đón anh về căn nhà nghèo khó của mình trong những giọt nước mắt hạnh phúc và hy vọng. Chẳng mấy thời gian sau, anh và chị lập gia đình với nhau, đám cưới nhỏ nhoi ấy có sự hiện diện của cán bộ giám thị trại giam, của các bạn tù đã hoàn lương cũng chọn ở lại mảnh đất này. Chưa bao giờ như ngày vui hôm ấy anh và chị khóc nhiều đến thế. Anh khóc vì hạnh phúc được trở lại cuộc sống bình thường, khóc vì có một người phụ nữ đã yêu và chờ đợi mình để làm nên một gia đình, điều mà chưa bao giờ trong những ngày tháng đó anh dám nghĩ tới.

Hoa đã nở trên đất cằn

Hơn 8 năm sinh sống tại đây, vợ chồng anh Đoán trở thành một công dân “lúc nào cũng ngẩng cao đầu” như cách nói của anh Đoán. “Hồi mới lập nghiệp ở đây, phải sáu rưỡi, bảy giờ tối, vợ chồng tôi mới lọ mọ từ rẫy mì về. Đi tối ngày như vậy cũng không đủ nuôi sống gia đình, nhưng vẫn phải cố thôi, còn lũ trẻ, còn tương lai nữa chứ!”, anh Đoán cho chúng tôi biết như vậy. Thời gian đầu, cuộc sống của hai vợ chồng rất khó khăn mà nói như anh là “sáng chống gối, tối đổ nồi” mới có cái ăn. Hai vợ chồng đi kiếm củi từ khi sương núi chưa tan, mãi tận đỏ đèn mới về nhà, nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được mươi nghìn đồng mua gạo. Nhưng từng ngày một, hai vợ chồng chị Tươi cùng động viên nhau cố gắng hơn cả mức bình thường để có được ngày hôm nay. Trải qua bao khó khăn, vất vả và cả đắng cay, tủi hờn, sau cùng anh chị đã tìm được cho mình hạnh phúc chẳng thể lớn lao hơn. Tiếng trẻ con bi bô chính là hạnh phúc giúp anh chị càng quyết tâm cao hơn trong việc phục thiện. 

Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc trên mắt anh, tôi hiểu được rằng tất cả những gì những người như anh, như chị đang làm chỉ là để chứng minh rằng, quá khứ đã lùi xa và họ đang sống tốt, sống thiện lương như những con người bình thường khác. Và ở cái xóm nhỏ ấy đã có bóng dáng những đứa trẻ con chạy đi chạy lại, và tiếng trẻ ê a học bài.

Bây giờ, vợ chồng anh có thu nhập gần vài triệu đồng một tháng, đó không phải là một số tiền quá lớn nhưng cũng chẳng phải là điều dễ dàng với những người như anh. Nhưng điều quan trọng hơn là sau những chuỗi ngày tăm tối ấy, anh đã thật sự thay đổi để trở thành một con người tốt. 

Nhiều người nghĩ rằng, phía bên kia song sắt sẽ là những cuộc đời im lìm, những ngõ cụt, những bước chân âm thầm không lối thoát. Nhưng họ đã nhầm. Phía sau song sắt, cuộc sống sẽ được hồi sinh nếu mỗi phạm nhân nhận ra tội lỗi của mình và yên tâm cải tạo! Nhìn những con người đã từng một thời lầm lỗi bây giờ đang rạng ngời niềm hân hoan, tôi hiểu rằng, trên đời không có ai là không một lần lầm lỡ, những con người ở đây có thể đã từng lầm lỡ với xã hội, với chính họ, nhưng bây giờ họ là những con người đầy nghị lực thật đáng cảm phục trên nẻo đường hoàn lương chân chính. Cuộc đời rồi sẽ sang trang, bóng tối sẽ khép lại phía sau lưng, nếu họ có ý thức bắt đầu từ những con số không. Những mảng màu đen tối của cuộc đời sẽ được đẩy lùi lại phía sau, để cho ánh sáng, cho niềm vui lan tỏa.