Mới: Người dân có tranh chấp đất đai được khởi kiện khi nào?

ANTD.VN - Gọi điện thoại đến "Đường dây nóng" An ninh Thủ đô, nhiều bạn đọc hỏi, theo quy định mới nhất, khi xảy ra tranh chấp đất đai, trong trường hợp nào người dân được khởi kiện ra tòa?

Theo Khoản 1, 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024, đương sự được khởi kiện tại Tòa án nhân dân khi xảy ra các tranh chấp sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai; Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng…); Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai.

Để được khởi kiện tranh chấp đất đai phải có đủ các điều kiện: Người khởi kiện có quyền khởi kiện; Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc; Tranh chấp chưa được giải quyết; Tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã. Ngoài việc khởi kiện ra toà, các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp về đất đai qua hòa giải.

Khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024 quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

Trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau: Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai; Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai; Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp; Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của UBND cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.

Như vậy, nếu các bên tranh chấp không hòa giải được nhưng muốn giải quyết tranh chấp thì phải thực hiện hòa giải tại UBND cấp xã - nơi có đất để hòa giải. Ngoài ra, với tranh chấp mà đương sự không có sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì các bên còn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh.