- Người có mức lương hơn 10 tỷ đồng/năm tại TP. HCM làm việc ở doanh nghiệp nào?
- Tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế xác định thế nào?
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tới thăm hỏi người lao động và xác minh vụ việc |
Cục Quản lý lao động ngoài nước (BộLĐ-TB&XH) vừa thông tin chính thức về việc 150 lao động Việt Nam bị Công ty Nexcel, tỉnh Aichi, Nhật Bản nợ lương.
Liên quan đến vụ việc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết 150 lao động Việt Nam là kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất chế tạo được công ty Nexcel tuyển dụng trực tiếp và cung ứng cho các công ty ở tỉnh Aichi, Gifu và Mie (Nhật Bản).
Việc lao động bị chậm trả lương bắt đầu xảy ra từ cuối tháng 7 và tháng 8/2024 (chậm từ 1-2 tuần). Đến tháng 11, chỉ một số lao động được nhận đủ lương còn nợ. Theo đó, danh sách lao động Việt Nam bị nợ lương tháng 9, tháng 10/2024 có 116 người với tổng số tiền lương còn nợ hơn 46 triệu yên.
Trong thời gian này, một công ty haken khác là Nexcel Innovation (trụ sở ở tỉnh Shizuoka, Giám đốc công ty Nexcel Innovation nguyên là phó giám đốc công ty Nexcel) đề nghị ký hợp đồng lao động với lao động Việt Nam.
Những người ký hợp đồng mới với Nexcel Innovation được tiếp tục cho làm việc tại công ty nơi đang làm việc cũ, được tạm ứng 50.000 yên để trang trải sinh hoạt, và cuối tháng 12 sẽ nhận được lương tháng 11 từ công ty haken Nexcel Innovation.
Một số lao động khác không ký hợp đồng mới, do lo ngại sẽ tiếp tục bị nợ lương, nhưng công ty Nexcel không cấp giấy tờ cần thiết như thanh lý hợp đồng, giấy nợ lương..., để người lao động xin trợ cấp mất việc, hoặc tìm việc khác.
Nhận được thông tin về vụ việc, ngày 16/12, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tới thăm hỏi người lao động, xác minh vụ việc. Đồng thời, cùng đại diện người lao động tới làm việc với Cơ quan giám sát tiêu chuẩn lao động thành phố Toyota (đại diện tại địa phương của Cục giám sát tiêu chuẩn lao động thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản).
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã đề nghị cơ quan giám sát tiêu chuẩn lao động Toyota yêu cầu công ty Nexcel trả đầy đủ lương còn nợ cho người lao động.
Trường hợp, công ty Nexcel không có khả năng thì tiến hành ngay các thủ tục cần thiết để được áp dụng chế độ trả lương thay từ ngân sách chính phủ phía Nhật Bản. Kịp thời thông báo cho người lao động và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản biết về lộ trình, và thời gian làm thủ tục nhận lương.
Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt, hiệu quả đối với các công ty haken sử dụng lao động Việt Nam nói chung, công ty Nexcel Innovation nói riêng, tránh để xảy ra trường hợp nợ lương tương tự.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng đề nghị chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan, có những hỗ trợ kịp thời đối với lao động Việt Nam gặp khó khăn do bị nợ lương, nhất là những lao động mới nhập cảnh...
Trước yêu cầu của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện cơ quan giám sát tiêu chuẩn lao động thành phố Toyota, đã chính thức tiếp nhận đề nghị áp dụng chế độ trả nợ lương thay của đại diện người lao động bị nợ lương.
Đối với những lao động chưa có việc làm, Hệ thống Dịch vụ việc làm Hello Work, tỉnh Aichi sẽ hỗ trợ để tìm việc mới, hoặc hướng dẫn thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chờ tìm việc.
Để thúc đẩy việc sớm trả lương cho lao động và tránh không để xảy ra vụ việc tương tự, ngày 23/12, Ban Quản lý lao động Việt Nam cũng đã làm việc với Cục Ổn định việc làm thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, ông Kitami Yasushi, Phó trưởng phòng điều tiết của Cục cho biết đã nhận được thông tin về vụ việc, và sẽ chỉ đạo các đại diện ở Aichi, thành phố Toyota khẩn trương giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Đồng thời, trao đổi thông tin với các Cục, Vụ có liên quan như Cục giám sát tiêu chuẩn lao động, Cục Bảo hiểm việc làm để biết, phối hợp và giám sát việc hoạt động của các công ty haken có sử dụng lao động Việt Nam.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động tiếp tục làm việc với Bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan của Nhật Bản, yêu cầu khẩn trương giải quyết vụ việc, sớm chi trả lương và hỗ trợ người lao động Việt Nam gặp khó khăn do bị nợ lương.