Lời kể nhói lòng của lính cứu hoả về vụ cháy trên phố Định Công Hạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hà Nội… lại một đêm không ngủ đối với các cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Chẳng màng đến những giọt mồ hôi, hay cơn đói lả vì mải chữa cháy, cứu nạn xuyên đêm, các chiến sỹ ngậm ngùi nuốt những giọt nước mắt vào trong. Trong màn mưa, người lính cứu hoả xót xa nhìn về phía ngôi nhà 207 - Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi mà họ đã dốc toàn lực, hết mình để chữa cháy, cứu người…

Nỗ lực phá “tường lửa”

Trở về đơn vị lúc 3h sáng, Thiếu tá Vũ Việt Dũng - phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Hoàng Mai, vẫn không thể nào chợp mắt. Sau nhiều tiếng đồng hồ cùng đồng đội chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn tại nhà dân số 207 - Định Công Hạ, anh ngồi bần thần suốt đêm, quên cả nỗi mệt.

Là lực lượng đến đầu tiên tiếp cận đám cháy, kể lại với phóng viên ANTĐ, Thiếu tá Vũ Việt Dũng cho biết, toàn bộ cán bộ chiến sỹ CAQ Hoàng Mai làm việc với nỗ lực cao nhất, không ngừng nghỉ giây phút nào, nhưng vẫn không thể cứu được 4 nạn nhân mắc kẹt. “Bản thân chủ nhà cũng chủ quan, nghĩ cháy nhỏ, nên khi đó, ai lo người nấy chạy ra ngoài hết, sau khi bừng tỉnh thì mới nhớ ra còn 4 người thân đang mắc kẹt trong nhà”, Thiếu tá Dũng kể lại.

Nhắc đến quá trình dập lửa, Thiếu tá Vũ Việt Dũng cho biết, ngôi nhà xảy cháy là nhà ống, vừa làm kho, vừa làm nhà ở, duy nhất chỉ có một cầu thang bộ là đường tiếp cận đến các tầng bên trên. Tầng 5 và tầng 6, nơi 4 nạn nhân mắc kẹt thì bịt kín bởi cửa kính. Toàn bộ chất cháy tại tầng 2 đến tầng 4 bị thiêu đốt, nhà lại kín mít, nhiệt lượng cao và khói khí độc thông thẳng qua cầu thang bộ bốc lên, khiến ngôi nhà như một lò nung, không có lối thoát khói. Không những vậy, dù đường trước nhà nơi xảy cháy rộng nhưng để đi vào được thì phải đi qua ngõ nhỏ, nên xe chữa cháy tiếp cận cũng gặp khó khăn.

Khu vực tầng 5, 6 của ngôi nhà 207 - Định Công Hạ bịt kín bởi cửa kính khiến khói không thoát ra ngoài

Khu vực tầng 5, 6 của ngôi nhà 207 - Định Công Hạ bịt kín bởi cửa kính khiến khói không thoát ra ngoài

Trong “cuộc chiến” với “giặc lửa” suốt tối qua, ngoài Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Hoàng Mai, còn có 4 đơn vị khác cũng chi viện, tham gia hỗ trợ chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn. Cùng tham gia với các lực lượng, Trung tá Nguyễn Lê Cường, Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội chia sẻ: Nhà dân xung quanh chiều cao không tương đương nên rất khó tiếp cận từ nhà bên cạnh sang. Nhiệt độ nóng, chất cháy và khói bao chùm tất cả các tầng của ngôi nhà. Trước tình thế này, buộc các chiến sỹ phải dùng lăng, dụng cụ phá dỡ, đập cửa kính để đuổi khói thoát ra ngoài.

“Chúng tôi phải dập tắt từng tầng, mới có thể tiếp cận lên tầng 6 của ngôi nhà. Cho nên mũi “tấn công” duy nhất là cầu thang bộ. Đồng đều các mũi, chúng tôi vừa triển khai lăng giá, vừa phun nước dập lửa. Để tiếp cận vào sâu bên trong, anh em cán bộ chiến sỹ chữa cháy phải thay phiên nhau dùng bình thở. Cứ anh em nào hết khí lại chạy ra để thay bình khí mới rồi lao vào tiếp. Vừa đi, vừa duy trì phun làm mát, dập tắt đám cháy từng tầng”, Trung tá Nguyễn Lê Cường chia sẻ.

Hàng hoá chất kín "không đường thở" từ tầng 1 lên tầng 4 của ngôi nhà

Hàng hoá chất kín "không đường thở" từ tầng 1 lên tầng 4 của ngôi nhà

Nơi xảy cháy tại tầng 4, nhưng từ tầng 1 lên đến tầng 3 của ngôi nhà đều chất kín hàng hoá, gây cản trở quá trình tiếp cận từ tầng dưới lên. Một điều khó khăn nữa là hàng hoá trong nhà này toàn sơn, cao su, nhựa… nên ngọn lửa cháy lan nhanh và cháy lâu, khó dập, dẫn đến công tác chữa cháy mất thêm nhiều thời gian hơn.

“Khi khống chế được một phần lửa, vào đến khu vực cầu thang bộ, lan can gỗ của cầu thang này đã cháy vụn hết, vật liệu rơi xuống đường cầu thang cũng làm cản trở quá trình tiếp cận. Còn duy nhất một khe hở cầu thang khoảng 40-50cm, nên chúng tôi phải mò mẫm đi sát men chân tường, chỉ cần sơ hở là có thể ngã xuống dưới, nguy hiểm đến tính mạng”, Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy kể tiếp với phóng viên.

Ám ảnh tiếng con trẻ khóc kêu cứu

Tham gia chữa cháy nhiều vụ, nhưng vụ cháy này khiến anh ám ảnh khôn nguôi. Thiếu tá Vũ Việt Dũng kể lại: “Ngay khi nhận thông tin vụ cháy, toàn bộ cán bộ chiến sỹ PCCC và CNCH, CAQ Hoàng Mai đã nhanh chóng triển khai đến hiện trường. Khi đến, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng trẻ con khóc, kêu cứu trên tầng. Nhận thấy có người mắc kẹt, anh em không ai bảo ai, lao vào tìm cách tiếp cận ngôi nhà, nỗ lực hết mình để giải cứu các nạn nhân. Tình thế gấp rút, chúng tôi triển khai đội hình đi trước mở lối cho các cán bộ đi sau vào cứu người”.

Lực lượng cứu hoả tiếp cận leo thang bên ngoài ngôi nhà nhưng chỉ lên được đến tầng 4

Lực lượng cứu hoả tiếp cận leo thang bên ngoài ngôi nhà nhưng chỉ lên được đến tầng 4

Đang mạch kể lại câu chuyện, Thiếu tá Dũng bỗng ngưng giọng, nghẹn ngào nhớ lại những khoảnh khắc sinh tử. “Khói quá nhiều, không thể nhìn thấy đường vào. Cho đến khi không nghe tiếng con trẻ khóc kêu cứu nữa, trong chiếc áo chống nóng được làm bằng sợi amiang, chúng tôi lao vào ngọn lửa, bất chấp nó có thể thiêu đốt chúng tôi, nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ có ý nghĩ duy nhất, đó là làm cách nào thật nhanh tiếp cận được nạn nhân để giải cứu…”, Thiếu tá Vũ Việt Dũng kể tiếp.

Khoảnh khắc tìm thấy thi thể 4 nạn nhân tử vong, Trung tá Nguyễn Lê Cường không giấu nổi cảm xúc, giọng như lạc hẳn đi, cố gắng kìm nén xúc động kể lại: “Lúc lên đến nơi, ám ảnh nhất là 3 nạn nhân trẻ em tử vong nằm trên bụng bà. Trẻ em luôn là đối tượng đau thương nhất trong các vụ cháy. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, các con chắc chỉ biết chạy theo người lớn. Các con nằm ngay cạnh hành lang…”.

Với cách bố trí hàng hoá chật kín như thế này, lối lên duy nhất là thang bộ cũng bị bịt kín

Với cách bố trí hàng hoá chật kín như thế này, lối lên duy nhất là thang bộ cũng bị bịt kín

Còn đối với Thiếu tá Dũng, dù chỉ là mấy tiếng đồng hồ thôi, nhưng với anh, đó là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời. “Toàn bộ anh em trong đơn vị khi không nghe tiếng kêu cứu của các con nữa thì xuống tinh thần, cảm thấy rất buồn, nản và bất lực trước sự hung tàn của lửa khói. Chúng tôi làm nhiệm vụ như thiêu thân, nhưng không kịp cứu 4 bà cháu. Thời gian chữa cháy kéo dài nhưng chẳng ai trong chúng tôi nhắc đến chữ “mệt” nữa, bởi không nỗi buồn nào của người chiến sỹ giằng xé bằng nỗi buồn không cứu được nạn nhân”, Thiếu tá Vũ Việt Dũng nghẹn ngào nói.

Chứng kiến toàn bộ quá trình nỗ lực của các chiến sỹ, chị Nguyễn Thị Hoa, ở gần ngôi nhà xảy cháy cho biết, khi phát hiện đám cháy, mọi người nhìn thấy cháu bé đứng ở tầng cao của ngôi nhà kêu cứu, lúc này khói bốc từ bên trong ngôi nhà dày đặc, mọi người đã tìm đủ mọi cách để tiếp cận nhưng không có cách nào để ứng cứu. “Thực sự các anh đã làm hết sức. Nhìn thấy các chú cứu hoả mệt nhoài, kiệt sức, thương lắm, chúng tôi chỉ biết mang bánh mì, chai nước hỗ trợ các chú ý làm nhiệm vụ”, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Giám đốc CATP Hà Nội động viên cán bộ chiến sỹ sau khi dập tắt đám cháy

Giám đốc CATP Hà Nội động viên cán bộ chiến sỹ sau khi dập tắt đám cháy

Sau mỗi vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, lại để lại một nỗi đau xé lòng cho người thân của các nạn nhân và nỗi day dứt khôn nguôi cho mỗi cán bộ chiến sỹ PCCC và CNCH. Mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nỗ lực hết mình để chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, nhưng thiệt hại vẫn nặng nề… Xét cho cùng, nước xa không cứu được lửa gần. Sự cẩn trọng đối với công tác phòng cháy ở mỗi gia đình không bao giờ là thừa. Bởi hỏa hoạn luôn tiềm ẩn và phần lớn đều do chính con người gây nên. Ngăn nắp và tuân thủ an toàn phòng cháy, chữa cháy là cách tự cứu mình và đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.