Phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội:

Phòng ‘giặc lửa’ bắt đầu và liên tục với ‘bài toán’ ý thức người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Quy định pháp luật hết sức rõ ràng: phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân! Cơ quan chức năng có miệt mài đến mấy, nỗ lực đến mấy, mà người dân vẫn chưa có nhận thức tốt, chuyển biến và hành động tốt, thì thực sự, sẽ rất khó”, đồng chí Đào Thị Thu Hằng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, nhìn nhận.

Sáng 26-6, tổ công tác liên ngành phường Tương Mai tiến hành ra quân vận động, tháo dỡ các biển quảng cáo tấm lớn, biển hiệu sai quy định vừa gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt cản trở công tác PCCC&CNCH, tại các công trình liên quan đến việc sử dụng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tháo dỡ biển quảng cáo tấm lớn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

Tháo dỡ biển quảng cáo tấm lớn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

“Một công việc không hề đơn giản, không đơn thuần chỉ cần có phương tiện cơ giới tháo dỡ là xong”, đồng chí Chủ tịch UBND phường chia sẻ. Trước đó là cả quá trình khảo sát, rồi vận động trực tiếp, gián tiếp, và gửi thông báo để ấn định “giờ G” đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; rằng, việc tồn tại biển quảng cáo tấm lớn, biển hiệu sai quy định đã và đang tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Thành phố, quận đang triển khai kế hoạch tổng thể ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị gắn với giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn. Trong đó, biển quảng cáo tấm lớn, biển hiệu sai quy định lắp đặt ở các cửa hàng mặt phố, sẽ phải được tháo dỡ, điều chỉnh.

“Tính mục đích của chủ trương xuyên suốt từ thành phố đến phường là hết sức rõ ràng và cấp thiết. Song khi triển khai thực hiện, lại không hề đơn giản, bởi những tấm biển quảng cáo, biển hiệu liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các tổ chức, cá nhân”, chị Phạm Thị Thanh Thùy, cán bộ đô thị phường Tương Mai, thành viên tổ công tác liên ngành UBND phường cho biết. Điều này thì chúng tôi cảm nhận rõ ngay khi chứng kiến trường hợp chủ ngôi nhà mặt đường Trương Định với ken đặc biển quảng cáo từ tầng 1 đến tầng 5.

Trang bị kỹ năng dập lửa cho người dân

Trang bị kỹ năng dập lửa cho người dân

Mặc dù đã nhận thông báo, đã được vận động, giải thích, nhưng khi thấy chiếc xe cẩu đỗ trước cửa để chuẩn bị “tác nghiệp”, chủ nhà lúc năn nỉ, lúc…sửng cồ, và cuối cùng xin “khất” trước cuối tháng 6 sẽ hoàn thành dứt điểm việc tự tháo dỡ toàn bộ biển quảng cáo mặt tiền ngôi nhà, để “thỏa thuận lại với đối tác thuê đặt biển”.

Trong câu chuyện với chúng tôi về vấn đề phòng cháy, chữa cháy, đồng chí Chủ tịch UBND phường Tương Mai đề cập nhiều lần về câu chuyện ý thức người dân. Cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền cơ sở và lực lượng chuyên trách đương nhiên phải có trách nhiệm. Nhưng sẽ là không đủ và sẽ không thể triệt để nguy cơ cháy, nổ, khi mà công tác trang bị kiến thức, nhận thức cho người dân chưa tốt, đặc biệt là, khi mà vẫn có nhiều người thờ ơ, chủ quan, suy nghĩ “cháy nổ ở nhà ai chứ không xảy ra ở nhà tôi”, và “việc phòng cháy, chữa cháy đã có cơ quan Nhà nước”. Chủ tịch Đào Thị Thu Hằng chia sẻ: thực trạng bất cập về nhận thức ấy, đang tồn tại ở không ít người dân!

“Bám” lấy vấn đề nhận thức và phải “đẩy” được phạm trù ấy lên trong mỗi người dân, thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên về tăng cường các giải pháp phòng cháy, chữa cháy, phường Tương Mai đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Tuyên truyền trên loa truyền thanh phường các bản tin PCCC vào các khung giờ 6h sáng, 20h và 22h hàng ngày. Nhắn tin nhắc nhở kiểm tra các thiết bị điện trong nhà trên nhóm zalo tổ dân phố vào 22h hàng ngày.

Tổ chức ký cam kết về thực hiện PCCC 6 tháng cuối năm đối với từng hộ gia đình trên địa bàn phường; tổng kiểm tra, rà soát về PCCC đối với các nhà cho thuê trọ trên địa bàn và tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thoát hiểm, PCCC cho các chủ nhà trọ, người thuê trọ;

tổng rà soát và kiểm tra đối với toàn bộ các nhà ở kết hợp kinh doanh, các kho, nhà xưởng; vận động, hướng dẫn các hộ gia đình tạo lối thoát hiểm thứ 2; thống kê các biển quảng cáo, biển hiệu che kín ban công, gây cản trở cho việc PCCC hoặc thoát hiểm thoát nạn; vận động nhân dân cắt mở các lưới sắt quây kín, chuồng cọp để tạo lối thoát hiểm…

Đây là những nội dung quan trọng của Kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự đô thị và PCCC&CNCH đang được triển khai trên địa bàn phường Tương Mai, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về trật tự, văn minh đô thị; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự đô thị và PCCC & CNCH trên địa bàn phường.

“Chúng tôi huy động, phối hợp chặt chẽ các lực lượng, các đơn vị, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với việc kiểm tra xử lý, nhất là, mọi phần việc đều gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hy vọng, những quyết tâm và nỗ lực sẽ góp phần chuyển biến nhận thức của người dân”, đồng chí Chủ tịch UBND phường Tương Mai chia sẻ nhấn mạnh một lần nữa: công tác PCCC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, và cũng là trách nhiệm của từng người dân. Phải có được nhận thức rõ ràng ấy mới đạt được hiệu quả cao và ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra.

Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy như sau:

- Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

+ Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;

+ Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;

+ Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

+ Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

+ Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

- Cá nhân có trách nhiệm:

+ Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

+ Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

+ Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

+ Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

+ Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.

- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy