Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa AGM-158 (JASSM), do hãng Lockheed Martin phát triển là một loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm có thể sẽ được Mỹ chuyển giao cho Ukraine.
Nếu được Washington chuyển giao, những tên lửa này sẽ trang bị cho máy bay của Ukraine, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 mới được cung cấp.
Việc Mỹ cân nhắc chuyển giao loại tên lửa hành trình nguy hiểm này xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột Đông Âu, khi Ukraine đã có những tiến triển trong các hoạt động trên bộ trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, chính quyền Tổng thống Biden hiện đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật và ngoại giao phức tạp liên quan nếu quyết định chuyển giao vũ khí này.
Những vấn đề này bao gồm đảm bảo rằng nếu được chuyển giao, máy bay chiến đấu của Ukraine có thể triển khai hiệu quả tên lửa vốn nặng 1.021 kg và mang đầu đạn 450 kg.
Lầu Năm Góc chưa xác nhận liệu họ có chấp thuận việc chuyển giao các tên lửa này hay không.
Hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể nào. Chính quyền Biden đang cân nhắc cẩn thận các lựa chọn của mình, xem xét cả những lợi ích tiềm tàng và rủi ro liên quan đến việc chuyển giao có thể xảy ra này.
Việc chuyển giao JASSM, nếu được tiến hành, sẽ là một bước nữa trong quá trình leo thang hỗ trợ quân sự đang diễn ra của Mỹ cho Ukraine.
Tầm bắn 370 km của tên lửa sẽ cho phép các lực lượng Ukraine nhắm mục tiêu vào các địa điểm xa phía sau phòng tuyến của Nga, tăng tính linh hoạt trong hoạt động và giảm rủi ro cho máy bay của Ukraine.
Quyết định cân nhắc chuyển giao JASSM này có thể đặc biệt quan trọng vì nó diễn ra trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, trong khi đó tương lai hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn chưa chắc chắn, nó còn tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 sắp tới.
Thêm một động thái liên quan, Không quân Mỹ gần đây đã trao một hợp đồng trị giá 130 triệu đô la cho tập đoàn Lockheed Martin để tăng sản lượng JASSM và tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM).
Động thái này cho thấy một nỗ lực rộng lớn hơn của quân đội Mỹ nhằm thúc đẩy tính khả dụng của các hệ thống tên lửa tiên tiến này.
Ngoài ra, Lockheed Martin Corp., Rotary and Mission Systems, có trụ sở tại King of Prussia, Pennsylvania, đã ký được một hợp đồng trị giá 156,9 triệu đô la với quân đội Mỹ để duy trì và hiện đại hóa phần mềm cho JASSM.
Công việc này dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025, nhấn mạnh cam kết liên tục trong việc nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng của tên lửa JASSM.
Trong khi đó, Ukraine đã yêu cầu tên lửa tầm xa trong nhiều tháng, viện dẫn nhu cầu chống lại các cuộc không kích của Moscow được thực hiện từ bên trong lãnh thổ Nga.
Hiện tại, Mỹ đang duy trì các hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công bên trong Nga, dù Kiev đã nhiều lần xin dỡ bỏ.
Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng đối với các yêu cầu chấp thuận này từ phía Ukraine, lưu ý đến những tác động tiềm ẩn của việc nới lỏng các hạn chế.
Nếu Ukraine nhận được JASSM, tên lửa hành trình này có thể tăng cường đáng kể khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược sâu bên trong nước Nga.
Các mục tiêu chiến lược tiềm năng của Ukraine có thể bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Nga, chẳng hạn như cầu Eo biển Kerch, rất cần thiết để vận chuyển hàng tiếp tế đến Crimea.
JASSM (Tên lửa hành trình không đối đất tầm xa chung) là tên lửa hành trình có khả năng phóng từ nhiều bệ phóng khác nhau, bao gồm máy bay ném bom như B-1 Lancer, B-2 Spirit và B-52 Stratofortress.
Nó cũng có thể được phóng từ máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle và F-16 Fighting Falcon.
Tên lửa này mang đầu đạn xuyên giáp WDU-42/B nặng 450 kg và được dẫn đường bằng sự kết hợp của hệ thống dẫn đường quán tính (INS), GPS và đầu dò hồng ngoại để dẫn đường ở giai đoạn cuối, từ đó gia tăng độ chính xác cực cao khi tấn công mục tiêu.
Một phiên bản tiên tiến hơn, AGM-158B JASSM-ER (Tầm hoạt động mở rộng), đã được giới thiệu vào năm 2014. Biến thể này có tầm hoạt động hơn 925 km, cũng đang được Mỹ sản xuất.
JASSM-ER chia sẻ 70% phần cứng và 95% phần mềm với JASSM ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp và sản xuất.
Chương trình JASSM đã gặp phải những thách thức và sự chậm trễ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm ban đầu.
Tuy nhiên, những cải tiến sau đó đã dẫn đến việc cho ra một loại tên lửa cực kỳ hiệu quả, một số quốc gia bao gồm Úc, Phần Lan, Nhật Bản và Ba Lan cũng đã đặt mua loại tên lửa này.