Những tiếng chuông cáo chung chế độ Gaddafi đầu tiên đã gióng lên từ cuối tháng 8 vừa qua khi lực lượng của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) đánh bại quân đội chính phủ, chiếm Thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, do ông Gaddafi trốn thoát nên cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc cho dù NTC đã nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Libya.
Cũng chính vì ông Gaddafi tiếp tục tồn tại nên NTC phải hoãn đi hoãn lại việc tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Trong khi đó, có thành lập được chính phủ lâm thời thì NTC mới “danh chính ngôn thuận” đứng ra điều hành đất nước cũng như mở mang quan hệ đối ngoại.
Vì thế rất dễ hiểu vì sao mà NTC và các tay súng của họ đã tỏ ra phấn khích tới vậy khi thông tin ông Gaddafi thiệt mạng được loan đi ngày 20-10. Cái chết của nhà lãnh đạo suốt hơn 4 thập kỷ qua sẽ chính thức khép lại một giai đoạn lịch sử của Libya.
Song đất nước và người dân Libya đã phải trả những cái giá quá đắt cho cuộc sang trang của lịch sử này. Cuộc chiến tuy không dài, tròn 7 tháng kể từ ngày liên quân NATO mở cuộc tấn công vào Libya ngày 20-3 vừa qua, nhưng chiến tranh không chỉ tàn phá nặng nề nhiều thành phố lớn mà còn để lại vết thương chia rẽ không biết bao giờ lành cho cả đất nước.
Ngay việc bắt tay vào việc thiết lập một chế độ mới thay thế cho chế độ của ông Gaddafi cũng rất khó khăn. Trước mắt, NTC sẽ sớm chuyển trụ sở từ thành phố Benghazi về Thủ đô Tripoli để chuẩn bị cho việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp trong vòng 30 ngày.
Tiếp đó, một hội đồng dân tộc gồm 200 thành viên sẽ được bầu trong vòng 240 ngày và hội đồng này sẽ chỉ định một Thủ tướng lâm thời một tháng sau đó. Hội đồng dân tộc cũng xác định thời hạn để giám sát việc soạn thảo một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội.
Lịch trình là vậy nhưng để thực hiện được lại không hề dễ dàng bởi giới quan sát cho rằng tình trạng chiến tranh có thể còn kéo dài tại Libya và chính phủ tạm quyền của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới. Trong đó, thách thức lớn nhất sẽ là làm sao sớm khôi phục các cơ sở hạ tầng bị tàn phá, đặc biệt là khai thác dầu cũng như tìm kiếm sự đoàn kết sau một cuộc chiến khốc liệt.
Cho rằng cái chết của ông Gaddafi "đánh dấu một sự chuyển tiếp lịch sử tại Libya" nhưng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cảnh báo, con đường phía trước của đất nước và nhân dân nước này sẽ còn rất nhiều khó khăn và đầy chông gai thách thức. Ông nhấn mạnh: "Người Libya chỉ có thể hiện thực hóa cam kết về tương lai của mình thông qua hòa giải và đoàn kết dân tộc. Giờ là thời điểm để chữa lành vết thương và tái thiết đất nước với sự rộng lượng bao dung, chứ không phải trả thù".
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo các nhà lãnh đạo mới tại Libya rằng công cuộc tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này sẽ rất "nặng nề". Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Nga Dmitry Mevedev... nêu rõ NTC phải đảm bảm bảo một quá trình chuyển tiếp dân chủ và hòa bình tại Libya.
Hôm nay, Libya tuyên bố giải phóng Người dân ăn mừng trên đường phố Tripoli Ngày 22-10, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya sẽ tuyên bố chính thức Libya hoàn toàn giải phóng sau cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi. Hãng tin Al Jazeera hôm qua cho biết, NTC sẽ chuyển trụ sở từ Benghazi, cơ sở của phong trào chống đối chính phủ về Thủ đô Tripoli sau khi tuyên bố giải phóng. Họ sẽ bắt đầu bàn thảo về việc chuyển giao chính phủ và thành lập chính phủ lâm thời trong vòng 30 ngày. Trong một diễn biến khác, đại diện của NATO hôm qua đã nhóm họp tại Brussels của Bỉ để thảo luận về việc chấm dứt chiến dịch thực thi Nghị quyết của Liên hợp quốc kéo dài hơn 6 tháng qua tại Libya. Nhiều người dân Libya tỉnh dậy sau một đêm ăn mừng với hy vọng mới về tương lai nhưng cũng còn băn khoăn liệu những nhà lãnh đạo mới của họ có lặp lại sai lầm của quá khứ. “Giờ chúng tôi hy vọng NTC sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ mới và không lãng phí thời gian vào những xung đột không đáng có hay đua tranh về quyền lực và vị trí”, ông Khaled Almslaty, 42 tuổi, một người bán quần áo dạo ở Tripoli cho biết. |