Hãng tin Bloomberg:

Lệnh cấm vận của EU với Nga bị phớt lờ, tàu chở dầu vẫn tấp nập trên các đại dương

ANTD.VN - Các công ty vận tải biển không quan tâm đến lệnh cấm vận dầu của Nga mà Liên minh châu Âu (EU) ban hành, họ vẫn tiếp tục hợp tác với Moskva.

Hầu hết các hãng vận tải biển quốc tế đều ưu tiên chuyên chở hàng hóa của Moskva, điều này gây bất ngờ cực lớn cho Liên minh châu Âu khi họ đã ban hành lệnh cấm vận dầu của Nga.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết, các đội tàu chở dầu trên thế giới vẫn muốn "phục vụ lợi ích của Nga" hơn là tuân thủ lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với việc nhập khẩu các nguồn năng lượng có xuất xứ từ Moskva.

Diễn biến cực kỳ bất ngờ này đã cho thấy sự kém hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mạnh tay được EU ban hành để chống lại Nga, cho dù chúng chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5/2/2023.

Chuyên gia Lars Bastian Ostereng - nhà phân tích tại của công ty Arctic Securities cho biết: “Các nguồn năng lượng của Nga tiếp tục được cung cấp với khối lượng bình thường và tốc độ gần như tương đương".

"Nhu cầu đối với dầu của Nga vẫn khá lớn, nhất là khi sức mua tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ đều mạnh mẽ, nhưng vấn đề lớn nhất mà Moskva phải vượt qua là họ cần rất nhiều tàu chở dầu cỡ lớn”.

Theo thống kê của tờ Bloomberg, khoảng 600 tàu chở dầu đã gia nhập "hạm đội bóng tối" giúp Nga đảm bảo việc vận tải bằng đường biển, thực tế trên làm giảm số lượng tàu sẵn sàng phục vụ các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác, đồng thời gây tăng chi phí vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, ông Eirik Haavaldsen - nhà quản lý vận tải của công ty Pareto Securities AS có trụ sở ở Oslo cho biết: “Chúng tôi đã biết về việc nhiều tàu cố tình hủy dấu hiệu nhận dạng để bốc hàng từ Nga".

Với tình hình hiện nay, ước tính lợi nhuận hàng ngày của các tàu chở nhiên liệu vận tải qua Đại Tây Dương đã tăng khoảng 280% trong tuần này, đạt tới con số 41.968 USD.

"Chỉ riêng trong ngày 9/2/2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng vận tải lên tới 58%, lớn nhất trong một ngày kể từ cuối năm 2021", thông tin trên do Sàn giao dịch Baltic tại London cung cấp.

Các nhà phân tích kinh tế của hãng tin Bloomberg đưa ra kết luận: “Nhu cầu đối với dầu của Nga đang tăng lên, dẫn đến việc hoạt động vận tải diễn ra sôi động và giá cả từ đó cũng tăng mạnh theo”.

Ước tính để thu hút khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ sau khi chịu lệnh cấm vận của EU và mức giá trần của G7, Nga đang giảm giá 15 - 20 USD/thùng, đồng thời trả cho các công ty vận tải 20 - 25 USD/thùng để đưa dầu đến châu Á.

Với những gì diễn ra, các công ty vận tải biển đang tính phí vận chuyển nguyên liệu thô có giá trị từ Nga đến các trung tâm chế biến ở châu Á cao hơn nhiều so với một năm trước.

Hãng tin Anh Reuters cho hay, lợi nhuận ròng của công ty năng lượng từ một chuyến đi duy nhất của một tàu chở dầu cỡ trung bình với 700.000 thùng dầu thô mang theo có thể lên tới 10 triệu USD.

Trước diễn biến trên, không loại trừ khả năng Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ tìm cách siết chặt hoạt động vận tải biển, trong đó giải pháp mạnh tay nhất là bắt giữ các tàu chở dầu xoá dấu hiệu.