Lại “nóng” bê bối “Văn hóa làm việc 996” của ngành công nghệ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Pinduoduo, một trong những gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay do cáo buộc về điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến 2 nhân viên của hãng liên tiếp tử vong trong vòng 10 ngày. Họ được cho là nạn nhân của cái được gọi là “văn hóa làm việc 996”, tức là lịch trình làm việc căng thẳng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, cộng thêm giờ làm thêm và 6 ngày một tuần.
Nhiều công ty như Pinhuohuo đã phát triển “nóng” nhờ thương mại điện tử bùng nổ ở Trung Quốc

Nhiều công ty như Pinhuohuo đã phát triển “nóng” nhờ thương mại điện tử bùng nổ ở Trung Quốc

Cuộc “khủng hoảng” của Pinduoduo

Pinduoduo vừa cho biết, nhân viên họ Tan đã nhảy lầu tự tử tại quê nhà Tan hôm 9-1 ở độ tuổi 20, đã xin công ty có trụ sở ở Thượng Hải nghỉ phép hôm 8-1 mà không đưa ra lý do và về nhà cùng ngày hôm đó. Hiện công ty đã cử một nhóm đến thăm hỏi gia đình và bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” trước cái chết của Tan. “Để hỗ trợ nhân viên của mình, chúng tôi đang thiết lập một kênh nội bộ và đội ngũ chuyên dụng để cung cấp dịch vụ tư vấn và tham vấn tâm lý cho các trường hợp khẩn cấp”, Pinduoduo thông báo.

Cái chết của Tan xảy ra sau khi Zhang Fei, nữ nhân viên của công ty 22 tuổi ngã quỵ khi đang đi bộ về nhà sau một ca làm việc dài trước đó 10 ngày. Vào lúc 1h30 sáng 29-12-2020, cô gái 22 tuổi đang đi làm về nhà ở ngoại ô Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, Trung Quốc, thì đồng nghiệp nhìn thấy cô ôm bụng và ngã xuống vỉa hè. Cô gái đã được các bác sĩ tận tình chăm sóc trong 6 tiếng đồng hồ nhưng vô ích. Cô đã qua đời trong bệnh viện.

Khi đó, Zhang đã làm việc được 6 tháng cho Pinduoduo, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Trung Quốc và thế giới. Trong tuyên bố hôm 4-1, Pinduoduo không đưa ra nguyên nhân cái chết của Zhang, tờ South China Morning Post đưa tin. Nhưng cái chết của nữ nhân viên được nhiều người cho là do làm việc quá sức, và gia đình người phụ nữ đã từ chối đề nghị khám nghiệm tử thi.

Vào ngày 10-1, cuộc khủng hoảng truyền thông của Pinduoduo trở nên trầm trọng hơn khi một nhân viên họ Wang đăng một video, trong đó anh ta mô tả tốc độ làm việc không ngừng tại công ty, cáo buộc rằng các nhân viên phải làm việc 300 giờ một tháng. Theo Wang, bộ phận mà Fei làm việc, chuyên bán hàng tạp hóa, cần đến 380 giờ. Wang cho biết, anh đã bị sa thải do đã đăng bức ảnh về một chiếc xe cấp cứu mà anh ta cho rằng đang chở một đồng nghiệp bị xỉu tại văn phòng. “Một chiến binh

Pinduoduo thứ hai đã ngã xuống”, anh viết ẩn danh trên Maimai.cn, một nền tảng chia sẻ thông tin về các công ty. Trong vòng nửa giờ sau khi gửi bài đăng của mình, Wang cho biết, anh đã bị các giám đốc điều hành triệu tập và sa thải. Pinduoduo cho biết Wang phải ra đi vì anh đã đăng “phát biểu cực đoan” lên mạng, vi phạm quy tắc ứng xử của nhân viên.

Chế độ làm việc khắc nghiệt

Là một trong những sàn thương mại điện tử nổi tiếng Trung Quốc, Pinduoduo đang tiếp tục lớn mạnh nhờ việc dấn thân vào các hoạt động kinh doanh mới cùng với sự bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19. Trong đó, họ là một trong những hãng dẫn đầu về dịch vụ mua theo nhóm, tức lập nhóm mua hàng tạp hóa và sản phẩm tươi sống với số lượng lớn với giá chiết khấu, vốn trở nên phổ biến trong đại dịch và hiện là một trong những chiến trường nóng nhất trong thương mại điện tử Trung Quốc. Kết quả, tính đến cuối tháng 12-2020, vốn hóa thị trường của công ty 5 năm tuổi này đã tăng gấp 4 lần lên 170 tỷ USD.

Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, sự phát triển nóng đó cũng kéo theo hệ quả về khai thác nguồn nhân lực. Cả hai ca tử vong liên tiếp trong vòng 10 ngày qua ở Pinduoduo dù chưa thực sự công bố nguyên nhân nhưng nhiều người đã chỉ trích đó là do sự đối xử vô nhân đạo đối với những người làm việc trong ngành công nghệ. Họ được cho là nạn nhân của cái được gọi là “văn hóa làm việc 996”, tức là lịch trình làm việc căng thẳng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, cộng thêm giờ làm thêm và 6 ngày một tuần.

Chế độ này đã được các giám đốc điều hành hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm người sáng lập Alibaba Jack Ma và người sáng lập JD.com, Richard Liu Qiangdon, ca ngợi, nhưng đã bị các nhà hoạt động xã hội và nhân viên phản đối. Tỷ phú Jack Ma, người từ con số không trở thành người giàu nhất Trung Quốc, cho biết vào tháng 4-2019, một nhân viên trẻ mà được làm 72 giờ mỗi tuần và làm thêm giờ là cả một “may mắn lớn”.

Hàng loạt những sự kiện đó khiến sự tức giận của cư dân mạng tăng lên mức độ lớn và video của Wang được xem hơn 50 triệu lần tính đến ngày 11-1. “Pinduoduo là Foxconn mới”, một người bình luận, đề cập đến hàng loạt vụ tự tử vào năm 2010 của các công nhân sản xuất các sản phẩm của Apple tại nhà máy của công ty ở Thâm Quyến. “Pinduoduo nhẫn tâm. Colin Huang vô tâm”, một người khác viết trên Weibo đề cập đến người sáng lập của Pinduoduo, người đã trở thành người giàu thứ hai Trung Quốc vào năm ngoái. “Hút máu ma cà rồng tư bản. Bạn không dám khoe khoang về đóng góp của mình cho xã hội!”, một người viết. Hàng trăm bình luận kêu gọi tẩy chay nền tảng giao dịch Pinduoduo.

Sự bất bình với lịch làm việc “996” đã tiếp diễn trong nhiều năm, nổi lên mạnh nhất vào năm 2019, khi người dùng Internet bắt đầu một dự án GitHub có tên “996.ICU” lên án việc nhiều người làm việc đến kiệt sức để rồi kết thúc ở phòng hồi sức cấp cứu. Dự án có hàng nghìn khiếu nại về các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Huawei và ByteDance, công ty đứng sau TikTok. “Chúng tôi dành phần lớn thời gian cuối tuần ở văn phòng. Cơ thể chúng ta đã ở trong tình trạng quá tải trong một thời gian dài”, một nhân viên của Tencent viết cho một giám đốc điều hành cấp cao của công ty, theo The Wall Street Journal.

Hướng đến tăng trưởng lành mạnh, bền vững

Sau cái chết của Zhang Fei, hãng Tân Hoa xã đã kêu gọi rút ngắn thời gian làm việc và chỉ trích văn hóa làm thêm giờ bất thường của ngành công nghệ. Các cơ quan quản lý lao động Thượng Hải cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về công ty này. Luật sư về quyền lao động đang giúp Wang khởi kiện Pinduoduo và kêu gọi các nhà quản lý công khai cuộc điều tra của họ.

Marlon Mai, Giám đốc điều hành công ty tư vấn tuyển dụng Morgan McKinley có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Bloomberg: “Các công ty Internet Trung Quốc nên nghĩ xa hơn đến việc đạt đến vị thế kỳ lân hay lần đầu ra mắt công ty chính khoán. Một nền văn hóa doanh nghiệp ổn định, lành mạnh là điều cần thiết để tăng trưởng lâu dài. Sức khỏe của nhân viên là một vấn đề không thể không quan tâm”.

Phản ứng dữ dội chống lại Pinduoduo xảy ra khi các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ cả công chúng và các cơ quan quản lý. Đối thủ của Pinduoduo là Alibaba đang bị điều tra chống độc quyền và người sáng lập Jack Ma, vốn tán thành “văn hóa 996” đã vắng mặt trước công chúng trong nhiều tuần. Tuy nhiên, “văn hóa 996” có vẻ như là điều rất khó thay đổi bởi những công việc như vậy vẫn thu hút lao động do uy tín và mức lương hấp dẫn của các công ty. Lillian Li - một nhà phân tích công nghệ tại Bắc Kinh nhận định: “Tôi hy vọng về sự thay đổi nhưng cũng biết rằng văn hóa công ty không phải là một lợi thế tuyển dụng duy nhất ở Trung Quốc như ở phương Tây. Vấn đề lớn là Trung Quốc không thiếu nhân tài. Vì vậy, sự mất cân bằng trên thị trường lao động thúc đẩy rất nhiều hành vi này”.

Pinduoduo - nền tảng giao dịch trực tuyến thuộc sở hữu của tỷ phú Colin Huang - người giàu thứ hai của Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm thu hút sự tức giận của công chúng về “văn hóa làm việc 996” phổ biến trong ngành công nghệ với lịch làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

“Các công ty Internet Trung Quốc nên nghĩ xa hơn đến việc đạt đến vị thế kỳ lân hay lần đầu ra mắt công ty chính khoán. Một nền văn hóa doanh nghiệp ổn định, lành mạnh là điều cần thiết để tăng trưởng lâu dài. Sức khỏe của nhân viên là một vấn đề không thể không quan tâm”.

Marlon Mai (Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tuyển dụng Morgan McKinley có trụ sở tại Thượng Hải)