Kỳ thi quốc gia: Nhiều lỗ hổng cần tính toán kỹ

ANTĐ - Kỳ thi THPT quốc gia đang được các chuyên gia mổ xẻ những sơ hở để sớm khắc phục trước khi triển khai thực tế. Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh đã có những thông tin ban đầu giải đáp những thắc mắc này trước buổi họp chính thức với giám đốc các Sở GD-ĐT và hiệu trưởng ĐH, CĐ cả nước ngày 23-9.
Kỳ thi quốc gia: Nhiều lỗ hổng cần tính toán kỹ ảnh 1

- Ông có thể giải thích tại sao Bộ GD-ĐT không giao luôn cho các trường ĐH tổ chức thi mà phải có thêm các cụm thi tại địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì?

- Việc tổ chức kỳ thi quốc gia dựa trên phương pháp thi “3 chung”. Việc mở rộng các cụm thi địa phương là để hỗ trợ các thí sinh không có mục đích dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

- Thí sinh thi ở cụm địa phương tổ chức nếu đạt điểm cao có được đăng ký xét tuyển đại học?

- Đăng ký xét tuyển là quyền tự chủ của thí sinh, nhưng phải sòng phẳng theo quy chế ngay từ đầu. Thi ở cụm địa phương, thí sinh sẽ không được đăng ký xét tuyển đại học. Một kỳ thi không thể giải quyết được 100% nguyện vọng của thí sinh. Chỉ có thể đảm bảo quyền lợi cho các em bằng cách chủ động cung cấp thông tin sớm, để các em chủ động lựa chọn. 

- Còn lo ngại về việc coi thi, chấm thi thả nổi do không phải thí sinh dự thi vào trường mình?

- Đúng là hiện nay trường nào tuyển sinh thì trường đó tổ chức thi và chấm thi. Nhưng sắp tới là kỳ thi quốc gia, trách nhiệm của các trường còn cao hơn khi mà việc tuyển nguyện vọng 2, 3 là tuyển toàn quốc. Bên cạnh đó, chúng ta phải có niềm tin vào đội ngũ nhà giáo. Cán bộ giảng viên đi coi thi, chấm thi phải có trách nhiệm rất lớn chứ không phải để lấy tiền bồi dưỡng. Còn với các cụm thi do Sở chủ trì, nếu điểm cao bất thường và trong sự so sánh với học sinh của chính Sở đó dự thi tại các cụm do trường đại học tổ chức, thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Những cá nhân, hiện tượng làm xói mòn niềm tin sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.

Nhiều lo lắng về quyền lợi của thí sinh giữa các cụm thi quốc gia

- Bộ có lường trước những khó khăn sẽ gặp phải trong lần đầu tiên ráp nối thi tốt nghiệp với tuyển sinh ĐH?

- Tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia cũng sẽ có một số khó khăn. Thứ nhất, các trường ĐH, các sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày của từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể, so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn. Thứ hai, những cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng tất cả đều sẽ cố gắng khắc phục để dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em.