Giải đáp chính thức về kỳ thi THPT quốc gia 2015

ANTĐ - Hàng loạt câu hỏi về kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được Bộ GD-ĐT giải đáp trong bộ tài liệu hỏi-đáp. Đây sẽ là nguồn thông tin chính thức về cách thức tổ chức cũng như quyền lợi của thí sinh dự thi.
Giải đáp chính thức về kỳ thi THPT quốc gia 2015 ảnh 1
Thí sinh đang chờ hướng dẫn sau một tháng công bố kỳ thi THPT quốc gia 2015

Lo trùng lặp các môn thi tuyển sinh ĐH

Câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm hiện nay là việc các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài luận, xét học bạ ở bậc phổ thông... Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã có trong kỳ thi THPT quốc gia hay không? 

Theo Bộ GD-ĐT, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng quy định tại Quy chế tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh tham khảo. Các trường sẽ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể (lấy điểm những môn nào? Các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ra sao? Hệ số tính điểm của mỗi môn? Tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung với hình thức nào?...) để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.

Để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị liên quan. Theo đó, đại đa số các trường ĐH, CĐ đều thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, không tổ chức thi các môn mà thí sinh đã có kết quả ở kỳ thi này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu của ngành đào tạo, có thể tổ chức thi năng khiếu, kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác. Chậm nhất ngày 15-10-2014, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương án sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh. Các thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể để chủ động học, ôn tập và định hướng lựa chọn ngành, trường để đăng kí dự thi. 

Đối với các trường tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể các đợt trong Quy chế tuyển sinh. Các trường sẽ công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án của mình. 

Đề thi chung khó đến mức nào?

Dư luận đang băn khoăn nếu đề thi của kỳ thi chung khó như đề thi tuyển ĐH, CĐ thì các em khó làm bài tốt, ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp THPT, đặc biệt với những thí sinh không tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh (phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp) và yêu cầu nâng cao để phân hoá trình độ thí sinh (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ). Ví dụ, thí sinh thi khối A thì môn Ngữ văn và Ngoại ngữ chỉ cần trả lời được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh chỉ cần học tập đáp ứng yêu cầu cơ bản trong chương trình là có thể tốt nghiệp THPT và tập trung đầu tư học nhiều hơn vào các môn Toán, Vật lí, Hoá học phù hợp với tổ hợp môn thi (khối thi) để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. 

Trước lo ngại về khả năng kỳ thi THPT quốc gia mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường, Bộ GD-ĐT phân tích, điều quan trọng là phải tổ chức thi sao cho kết quả có sự phân hoá và độ tin cậy cao để nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với việc kế thừa, phát triển những gì tốt nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hoàn toàn không mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ.