Kỷ nguyên của 'sát thủ bầu trời' A-10 Thunderbolt II đi tới hồi kết

ANTD.VN - Việc Không quân Mỹ rút 21 máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II "sát thủ bầu trời" khỏi đội hình chiến đấu có nghĩa là khởi đầu cho quá trình loại biên đối với dòng cường kích nổi tiếng này.

Trong hơn một thập kỷ qua, Không quân Mỹ (USAF) đã cố gắng cho loại máy bay tấn công mặt đất huyền thoại A-10 Thunderbolt II (Warthog) được mệnh danh là "sát thủ bầu trời" nghỉ hưu.

Nhưng bất chấp mong mỏi từ USAF, Quốc hội Mỹ đã liên tục ngăn chặn đề xuất trên, và phải đến thời gian gần đây, các nghị sĩ mới chấp thuận việc loại biên 21 cường kích đầu tiên.

Theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng K. Brown, lực lượng này có kế hoạch cho ngừng hoạt động tất cả các phi đội Warthog của mình trong vòng 5 đến 6 năm tới, tức là vào giai đoạn 2028 - 2029.

Sau khi cho nghỉ hưu 21 chiếc A-10 đầu tiên theo kế hoạch, USAF vẫn còn 260 cường kích như vậy đang hoạt động, trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những đợt loại biên ồ ạt hơn.

Theo tướng Brown, lý do chính để từ bỏ A-10 đó là do Không quân Mỹ đã lên kế hoạch đưa vào phục vụ các máy bay chiến đấu đa năng mới, có thể hỗ trợ đa dạng nhiều loại nhiệm vụ khác nhau so với chiếc cường kích nói trên.

Tham mưu trưởng USAF thừa nhận, các chỉ huy thường miễn cưỡng yêu cầu loại chiến đấu cơ này bởi vì vai trò hạn chế của nó trong việc hỗ trợ hỏa lực trên không ở cự ly gần.

"Tôi thực sự khó thuyết phục họ sử dụng A-10, nguyên nhân chính nằm ở chỗ đây là loại máy bay cường kích đúng chất, chỉ thực hiện được đơn nhiệm vụ thay vì đa năng", Tướng Brown nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, A-10 sẽ vô cùng khó khăn khi thực hiện chức năng đúng thiết kế trong thời đại ngày nay khi gặp phải một đối thủ mạnh trên chiến trường, có trong tay mạng lưới phòng không được triển khai dày đặc.

Theo kế hoạch của USAF, nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực trực tiếp từ trên không sẽ được chuyển giao cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-35, cũng như máy bay ném bom hoặc máy bay không người lái.

Cần lưu ý thêm, ban đầu USAF có tham vọng thay thế A-10 bằng F-16, nhưng các câu hỏi và dự đoán về khả năng tác chiến trong tương lai đã thay đổi quan điểm đó theo thời gian

Được đưa vào vận hành vào những năm 1980, A-10 được thiết kế có tính đến cuộc xung đột quy mô lớn trên đất châu Âu. Khẩu pháo cao tốc 30 mm GAU-8/A của nó sẽ phát huy vai trò lớn khi chống lại các đội hình thiết giáp lớn của đối phương.

Với sự tan rã của Liên Xô, vai trò dành cho A-10 đã suy giảm đáng kể, nhưng nó đã thực hiện nhiều nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực trên không ở Iraq và Afghanistan, khiến chiếc phi cơ này được nhiều lực lượng mặt đất công nhận mức độ hiệu quả.

Trong tương lai, với những máy bay A-10 được rút khỏi biên chế, không loại trừ khả năng USAF sẽ chấp thuận nhượng lại cho những đối tác mong muốn được sở hữu, khi nhu cầu đối với loại cường kích này vẫn còn khá lớn.

Cần phải nói thêm một điều đó là A-10 chỉ lạc hậu đối với một lực lượng không quân hiện đại như Mỹ mà thôi, nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Nga vẫn phải duy trì số lượng lớn Su-25 với chức năng tương tự chiếc Warthog.