Không quân Ukraine tổn thất nặng trong cuộc chiến không cân sức với Nga

ANTD.VN - Mặc dù tuyên bố gây ra cho Không quân Nga nhiều thiệt hại trong những ngày qua, tuy nhiên chênh lệch quá lớn khiến tổn thất của Ukraine thực chất vẫn nặng nề hơn đối phương.

Kể từ khi thực hiện chiến dịch quân sự trên đất Ukraine, Không quân Nga đã phải hứng chịu khá nhiều thiệt hại, nhưng ở chiều ngược lại họ cũng đưa ra thông báo về việc phá hủy một số máy bay đối phương.

Giới phân tích quân sự phương Tây cho biết, xét trên tỷ lệ thì bên chịu thiệt hại là Ukraine.

Hiện tại Không quân Ukraine tiếp tục khai thác di sản của Liên Xô, đó là tiêm kích Su-27, MiG-29, cường kích Su-25 và máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 được chế tạo tại các nhà máy nằm trên đất Nga.

Tư lệnh Không quân Ukraine - Đại tướng Sergei Drozdov từng thừa nhận rằng máy bay đang được bảo dưỡng kéo dài thời hạn sử dụng. Tuy nhiên theo ông Drozdov, “việc sửa chữa không thể được thực hiện mãi mãi".

Kiev từng lên kế hoạch thay thế những "di sản Liên Xô" bằng JAS-39E/F Gripen của Thụy Điển, F-15 Eagle hoặc F-16 Fighting Falcon. Nhưng họ gặp khó khăn vì không có đủ ngân sách, theo nhiều ước tính, việc trang bị lại sẽ cần tới 10 tỷ USD.

Về quy mô trước khi nổ ra cuộc chiến với Nga, Không quân Ukraine đang duy trì khoảng 12 - 14 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24; một trung đoàn cường kích Su-25 - tối đa 30 chiếc.

Ngoài ra Kiev vẫn còn khoảng 30 tiêm kích hạng nặng Su-27 thuộc thế hệ đầu tiên được sản xuất vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, cũng như khoảng 40 chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 được chế tạo cùng thời điểm.

Như vậy Ukraine đang sở hữu tổng cộng hơn 100 máy bay chiến đấu các loại, quy mô phi đội của họ rõ ràng quá nhỏ bé so với gần 700 máy bay được Nga tập kết sát biên giới để sẵn sàng tung vào trận chiến.

Từ năm 2009 đến năm 2020, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã nhận được khoảng 460 phi cơ mới, bao gồm Su-35S, Su-30SM2, Su-34, 110 máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130, cùng với 360 trực thăng tấn công, bao gồm Mi-28N Night Hunter và Ka-52 Alligator.

Ngoài ra 320 máy bay khác sản xuất trước đó, bao gồm khoảng 150 tiêm kích đánh chặn tầm cao MiG-31, cũng như các máy bay chiến đấu Su-24M, Su-25SMT, Su-27SM và tiêm kích hạm Su-33 đã được hiện đại hóa sâu thông qua thay thế thiết bị bo mạch, động cơ và vũ khí.

Ngày nay Nga có khoảng 1.200 máy bay chiến đấu và 400 trực thăng tấn công, tức là tỷ lệ định lượng của Không quân Ukraine với hàng không chiến đấu Nga chỉ 1 chọi 10. Đó là chưa kể đến chất lượng trang bị hay quá trình đào tạo phi công.

Các phi công Nga có thời gian bay trung bình hàng năm cao hơn vài lần so với các phi công Ukraine, những người không có đủ nhiên liệu cho các chuyến bay huấn luyện. Thêm vào đó, Không quân Nga còn có kinh nghiệm chiến đấu ở Syria.

Về rắc rối tương tự trong Quân đội Ukraine với hệ thống phòng không. Các phiên bản cũ của hệ thống S-125, S-300 hay Buk-M1 vẫn được duy trì hoạt động. Ở Nga, các tổ hợp này từ lâu đã được thay thế bằng S-400 hay Buk-M3.

Nói cách khác, các chuyên gia quân sự tin rằng những tổn thất mà Nga phải hứng chịu trên chiến trường Ukraine vài ngày qua là “trong mức chịu đựng”, trong khi đối với Ukraine thì ngược lại.

Có lẽ chính vì yếu tố trên mà chính quyền Kiev đang phải khẩn thiết đề nghị các đối tác NATO nhượng lại cho họ phi đội MiG-29 hay Su-25 của mình để đủ sức tiếp tục chiến đấu trong thời gian tới.