Vòng hào quang, vương miện và tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại bảo tàng của tu viện Itumbaha |
Công cuộc phục hồi di sản
Ông Roshan Mishra - thành viên sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Chiến dịch phục hồi di sản Nepal (NHRC) cho biết, nhiều di tích đã bị cướp phá và hiện vật bị đưa ra khỏi Nepal sau khi nước này bắt đầu chào đón du khách nước ngoài khi triều đại Rana sụp đổ vào năm 1951. Trước đó, Nepal là một vương quốc khá kín đáo, rất ít du khách nước ngoài tới thăm. Nhưng khi mở cửa vào những năm 1960 - 1970, thị trường nghệ thuật toàn cầu bắt đầu chú ý đến các tác phẩm chạm khắc và tượng tinh xảo của nước này. Trong những thập kỷ sau đó, việc bảo vệ di sản bị hạn chế do bối cảnh biến động chính trị và nội chiến kéo dài. Nhưng giờ đây, với sự ổn định, người dân Nepal đang xem xét kỹ hơn những món đồ nào bị mất tích.
Khi các viện bảo tàng lớn công khai hóa các bộ sưu tập của họ trên mạng, ngày càng có nhiều đề nghị từ khắp thế giới yêu cầu trả lại những đồ vật đã bị đánh cắp. Nepal cũng không phải ngoại lệ. Các tổ chức như NHRC đã đi đầu trong nỗ lực xác định các cổ vật bị lấy đi từ các địa điểm tôn giáo của đất nước và tìm thấy chúng từ Australia cho đến nước Mỹ.
Đầu năm 2023, sau khi chính quyền Nepal cung cấp thông tin cho Mỹ và nói rõ rằng, các cổ vật nên được hồi hương thì Bảo tàng nghệ thuật Rubin (nơi chuyên về nghệ thuật Himalaya) cũng như Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan đã trả lại một số hiện vật bị đưa trái phép ra khỏi Nepal. Đó là 3 tác phẩm điêu khắc thuộc về Itumbaha - tu viện lâu đời nhất, đóng vai trò quan trọng nhất ở Thủ đô Kathmandu. Trong đó, vào năm 2022, kết quả nghiên cứu cho thấy, tác phẩm Vòng hoa Apsara bằng gỗ (thế kỷ 14) từ bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Rubin ban đầu được đặt tại tu viện Itumbaha, sau đó nó bị di dời bất hợp pháp vào năm 1999 ra khỏi Nepal trước khi Rubin mua lại vào năm 2003.
Những tác phẩm chạm khắc và đồ đồng tinh xảo được trưng bày bên ngoài tu viện Itumbaha |
Mở ra kho báu đồ sộ
Từ lâu, người ta đã biết tu viện Itumbaha là nơi cất giữ những hiện vật vô giá trải dài suốt lịch sử Nepal, nhưng việc xác định vị trí và kiểm kê chúng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Khi Quỹ Tượng đài thế giới (một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân chuyên bảo tồn di sản văn hóa) bắt đầu công việc tái thiết tại địa điểm này gần 2 thập kỷ trước, các thành viên của tu viện đã tìm thấy nhiều hiện vật “bị chôn vùi trong nhiều lớp bụi bẩn, bùn và cát” - như lời bà Swosti Rajbhandari Kayastha, một nhà bảo tàng học và giảng viên Đại học Phật giáo Lumbini cho biết.
Phần lớn các đồ vật nằm mòn mỏi trong nhà kho và gần như bị lãng quên, cho đến khi người ta bất ngờ phát hiện những món cổ vật có một không hai. Ví dụ như chiếc vương miện bằng vàng mà người sáng lập tu viện đã đội, hay một cánh cửa vàng mà theo tương truyền, qua đó, một nữ thần đã trao thanh kiếm thiêng cho các vị vua Nepal trong lễ đăng quang.
Đối với những người đứng đầu tu viện Itumbaha, quá trình thu hồi những hiện vật lưu lạc ở Mỹ không chỉ nhằm giải quyết sự bất công trong lịch sử mà còn khơi dậy giấc mơ từ lâu. Đó là xây dựng một bảo tàng mới trong khuôn viên tu viện để nghiên cứu và lập danh mục hơn 500 hiện vật đang cất giữ tại đây.
Việc lập hồ sơ rất quan trọng để bảo tồn di sản văn hóa. Nếu không có tài liệu và hình ảnh tại hiện trường, những món đồ bị cướp phá được tìm thấy trong các bảo tàng Mỹ có thể sẽ không bao giờ được trả lại cho Itumbaha. Vì vậy, sau khi hoàn thành nghiên cứu của riêng mình, Bảo tàng nghệ thuật Rubin đã đề nghị tài trợ 20.000 USD để mở 3 phòng trưng bày tại tu viện Itumbaha.
Khai trương vào cuối tháng 7-2023, bảo tàng hiện trưng bày khoảng 150 tác phẩm, trải dài 6 thế kỷ và kể về lịch sử đánh cắp cổ vật ở Nepal. Thông qua sự hợp tác này, tu viện có thể nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của việc ghi chép và bảo vệ bộ sưu tập lịch sử. “Điều quan trọng là phải ngăn chặn các vụ trộm trong tương lai” - ông Jorrit Britschgi, Giám đốc điều hành Bảo tàng nghệ thuật Rubin cho biết.
Một tác phẩm điêu khắc tôn giáo thế kỷ 14 (trên cùng) đã được Bảo tàng nghệ thuật Rubin ở New York trả lại cho Itumbaha |
Di sản sống trong không gian mở
Đối với NHRC, việc hồi hương các đồ vật không chỉ là xây dựng lại các bộ sưu tập của Nepal mà còn là trả lại các vị thần cho người dân và khôi phục các nghi lễ từng là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Theo ông Mishra, nhiều nghi lễ và lễ hội tại một số di tích đã không còn tổ chức vì biểu tượng quan trọng nhất bị đánh cắp. Người ta lo ngại rằng, nhiều hiện vật đã được lấy đi cách đây vài thập kỷ, rất có thể thế hệ con cháu tiếp theo sẽ dễ dàng quên đi các nghi lễ truyền thống.
Với tinh thần phục vụ dân chúng, bảo tàng mới của tu viện Itumbaha hy vọng sẽ cho thấy các hiện vật tôn giáo được trưng bày như một di sản sống như thế nào. Là một không gian cộng đồng - nơi diễn ra các nghi thức và nghi lễ tôn giáo hàng ngày - đây là một bảo tàng mở, trong đó các hiện vật lịch sử đôi khi được các thành viên tu viện sử dụng.
Ví dụ, họ dùng chuông cổ trong các nghi lễ hay tại một lễ hội vào tháng 8-2023, các di vật được đưa ra sân, người dân địa phương được phép chạm vào và kiểm tra. Đó là sự khác biệt so với hầu hết các bảo tàng trên thế giới, nơi các đồ vật có giá trị được đặt trong tủ kính được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm với độ an ninh cao.
Mặc dù điều này có thể dẫn đến hao mòn, thậm chí gây hư hại cho các đồ vật quý giá, nhưng cách tiếp cận của bảo tàng cho thấy các hiện vật là một phần của cuộc sống và thậm chí có thể có cuộc sống riêng. Ông Mishra nói: “Chúng ta cần cho phép những cổ vật này sống và mất đi một cách xứng đáng. Trong không gian tu viện, cộng đồng có thể sử dụng để thực hiện các nghi lễ một cách sống động. Thời gian còn lại, các món đồ sẽ được đưa trở lại điện thờ và luôn được tôn quý”.
Theo bà Swosti Rajbhandari Kayastha, việc trả lại cổ vật về nơi ban đầu cũng đòi hỏi phải giải mã vị trí, công năng của chúng. Điều đó đã khơi dậy ký ức và làm sống lại mối quan tâm đến lịch sử và truyền thống của tu viện Itumbaha. Bà Kayastha kể, có những hiện vật người ta phải hỏi 4 - 5 người khác nhau để biết tên gọi và cách sử dụng ra sao. Vì thế, bảo tàng sẽ luôn là một trung tâm nghiên cứu mở để chia sẻ kiến thức và khôi phục những điều đã mất. “Với những cổ vật này, không có gì là đã biết hết. Sẽ còn nhiều điều nữa được bổ sung theo thời gian”, nhà bảo tàng học nói.
Ông Roshan Mishra cũng đề xuất, các bảo tàng phương Tây nên “đặt hàng” các nghệ nhân Nepal tạo ra những bản sao đích thực để trưng bày thay cho các đồ vật đã bị cướp bóc. Ông cho rằng, như vậy sẽ “làm sạch” bộ sưu tập của họ, đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân và nền văn hóa đang tồn tại. Ông cũng kêu gọi các bảo tàng đó thiết lập quy trình để xác định và hồi hương các hiện vật. “Không cần phải nêu tên để khiến các tổ chức phải xấu hổ với những món đồ có khả năng bị đánh cắp. Chúng tôi có thể trò chuyện và tìm ra cách để giải quyết vấn đề êm đẹp nhất” - ông Mishra nói thêm.