Hai thập kỷ sau thảm họa động đất - sóng thần tồi tệ nhất thế giới: Lúc nào ‘mẹ thiên nhiên’ lại nổi giận?

ANTD.VN -  Hơn 227.000 người đã thiệt mạng trong thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương ngày 26- 12-2004. Các chuyên gia cảnh báo rằng, một trận sóng thần lớn mới có thể ập đến bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo và thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu các cộng đồng không được huấn luyện tốt.

Ký ức không phai

Nỗi đau vẫn còn nguyên khi cô Cut Sylvia nhớ lại lần cuối ở bên Siti - con gái 2 tuổi của mình. Đó là một buổi sáng bình thường ở thành phố ven biển Banda Aceh của Indonesia ở phía Bắc Sumatra. Sylvia và chồng cô thấy mọi người bắt đầu chạy ra khỏi nhà, hô hào nước biển đang ập đến. Bế con gái trên người, chỉ vài phút sau Sylvia đã gặp sóng tràn vào nhà.

Siti, con gái nhỏ của vợ chồng anh chị Sylvia và Budi, đã mất tích cách đây 20 năm

“Tôi không thể diễn tả được khoảnh khắc đó, tôi và bé lớn nhìn nhau. Con bé thậm chí không khóc hay nói bất cứ điều gì, chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ bị chia cắt”. Siti đã bị sóng cuốn trôi. Sau 15 phút cảm thấy như thể bị cuốn trong chiếc máy giặt, Sylvia trèo được lên mái nhà và nhận ra con gái mình đã mất tích.

Budi Permana, chồng của Sylvia cũng bị cuốn trôi, nhưng may mắn bám được vào một ngọn cây dừa. Sylvia và Budi đã đoàn tụ sau đó một tuần tại thành phố Medan, cách nhà của họ 600km. Nhưng con gái họ từ đó không trở về, đến nay đã tròn 20 năm, khi mà thế giới kỷ niệm trận sóng thần tàn khốc nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận.

Vào khoảng 8h sáng 26-12-2004, một trận động đất có cường độ từ 9,2 đến 9,3 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Tây của tỉnh Aceh, Indonesia, ở phía Bắc Sumatra. Ước tính có 227.898 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên 14 quốc gia trong trận sóng thần diễn ra ngay sau đó.

Cảnh đổ nát của những ngôi nhà bị tàn phá ở ngoại ô Banda Aceh, Indonesia sau trận sóng thần năm 2004

Indonesia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Sri Lanka và Thái Lan, trong khi trường hợp tử vong xa nhất tính từ tâm chấn được báo cáo tại thành phố Port Elizabeth của Nam Phi. Với 131.000 người thiệt mạng, đây vẫn là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử Indonesia - quốc gia dễ xảy ra thảm họa thứ hai thế giới sau Philippines.

Nhiều năm qua, anh Budi Permana đã làm việc cho Hội Chữ thập đỏ, thường đến thăm các trại trẻ mồ côi, hỏi xem họ có bất kỳ bé gái nào được tìm thấy trong trận sóng thần năm 2004 không. Ở Indonesia, từng có một bé gái đã đoàn tụ với gia đình vào năm 2014, 10 năm sau khi em bị cuốn trôi trong trận sóng thần khi mới 4 tuổi. “Tôi hy vọng điều đó cũng xảy ra với con gái mình”, ông nói.

Quan niệm sai lầm về sóng thần

Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong nghiên cứu về sóng thần, phòng thủ biển và phát triển các hệ thống cảnh báo sớm trong 2 thập kỷ kể từ thảm họa động đất – sóng thần Ấn Độ Dương, các chuyên gia cảnh báo rằng, sự tự mãn đang xuất hiện khi ký ức về mức độ tàn phá của trận thiên tai năm 2004 phai nhạt dần.

“Người ta dễ hiểu lầm rằng sóng thần là mối nguy hiểm cực kỳ hiếm gặp. Trên thực tế, đây là mối nguy hiểm tương đối phổ biến”, ông David McGovern, giảng viên cao cấp và chuyên gia về sóng thần tại Đại học South Bank London, cho biết. Ông chỉ ra, thảm kịch sóng thần ở Nhật Bản chỉ 7 năm sau đó vào năm 2011, và trung bình mỗi năm có khoảng 2 trận sóng thần gây tử vong hoặc thiệt hại.

Nhà chìm gần cầu tàu tại Vịnh Ton Sai ở đảo Phi Phi của Thái Lan, vào ngày 28-12-2004, 2 ngày sau thảm họa động đất - sóng thần

Vào ngày 6-12-2024, một số chuyên gia về sóng thần hàng đầu thế giới đã tham dự hội nghị chuyên đề tại London để kỷ niệm 20 năm trận sóng thần Ấn Độ Dương, cũng như để đánh giá tình hình nghiên cứu sóng thần hiện tại.

Chỉ một ngày trước đó, khi các đại biểu đang dùng bữa tối tại một nhà hàng ở trung tâm London, ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ xảy ra động đất mạnh 7 độ richter. Trận động đất đã kích hoạt cảnh báo sóng thần, tác động đến một vùng bờ biển dài khoảng 800km ở California và Oregon. Cảnh báo càng củng cố tầm quan trọng của hội nghị chuyên đề và thông điệp mà họ đang cố gắng truyền tải.

Ông David McGovern là một nhà nghiên cứu chủ chốt tại MAKEWAVES – một dự án đa tổ chức và đa quốc gia do các nhà nghiên cứu sóng thần sáng lập. Ông cho biết, “rất nhiều điều” đã được rút ra trong hai thập kỷ nghiên cứu kể từ trận sóng thần Ấn Độ Dương.

“Có những điều chúng ta không biết. Lý do là vì sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp, chúng có xu hướng phá hủy mọi thứ, không để lại dấu vết gì”, ông nói.

Dự án mới nhất của nhóm, được công bố vào tháng 9-2024, là phát triển thiết kế nguyên mẫu cho một cỗ máy tiên phong trong công nghệ tạo sóng thần - sóng thần đôi. Khi sơ đồ nguyên mẫu hoàn thành vào năm 2026 (thiết kế do chính phủ Vương quốc Anh tài trợ), các nhà khoa học sẽ lần đầu tiên mô hình hóa tác động của nhiều đợt sóng thần đến và đi, không chỉ cho thấy sóng thần gây ra thiệt hại như thế nào khi chúng ập vào mà còn cho thấy chúng gây ra thiệt hại như thế nào khi chúng quay trở lại biển. Ông McGovern cho biết sáng kiến sẽ lấp đầy một “khoảng trống lớn về kiến ​​thức”.

Nguy cơ xảy ra sóng thần có thể gia tăng trong những thập kỷ tới, vì mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu có vẻ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. “Hy vọng của tôi vào lễ kỷ niệm 20 năm là chúng ta không quên nguy cơ này, chúng ta không nên cho rằng đó là sự kiện chỉ xảy ra một lần trong thiên niên kỷ và nên tiếp tục ưu tiên cho một trong những mối nguy hiểm tự nhiên chết người nhất mà loài người phải đối mặt”, ông nói.

Chuyên gia dự báo chính xác sóng thần 2004 nói gì?

Các chuyên gia cho biết vấn đề là khi nào, chứ không phải liệu một trận sóng thần tàn khốc có quy mô tương tự như năm 2004 có xảy ra một lần nữa hay không. Việc dự đoán chính xác thời điểm xảy ra một sự kiện như vậy là điều không thể, nhưng ít ai có thể dự đoán chính xác hơn Phil Cummins. Ông được mô tả là người “về cơ bản đã dự đoán” được trận sóng thần năm 2004.

Hơn một năm trước khi sóng thần tấn công ven biển Ấn Độ Dương, tại cuộc họp vào tháng 10-2003 của Nhóm điều phối quốc tế về Hệ thống cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương, ông Phil Cummins - nhà địa chấn học, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia - đã kêu gọi mở rộng hệ thống cảnh báo sang Ấn Độ Dương do ông nhận thấy nguy cơ ngày càng tăng của một cơn sóng thần tàn khốc.

Binh sĩ Indonesia tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Banda Aceh - khu vực chịu thiệt hại nặng nhất của trận sóng thần vào ngày 31-12-2004

Tham khảo tư liệu thời kỳ thuộc địa của Hà Lan tại Indonesia, ông đã nói tại cuộc họp ở Wellington, New Zealand rằng, những trận động đất lớn vào thế kỷ 19 do các đường đứt gãy ở phía tây Sumatra gây ra đã tạo ra những con sóng hủy diệt trải dài khắp đại dương và sự tái diễn của một sự kiện như vậy chỉ là vấn đề thời gian.

Chỉ vài tháng trước trận sóng thần, vào tháng 8-2004, ông Cummins đã nhắc lại mối quan ngại của mình trong một bài thuyết trình cho các chuyên gia ở Nhật Bản và Hawaii. Ông một lần nữa cảnh báo rằng, một trận động đất lớn có thể xảy ra ở miền trung Sumatra bất cứ lúc nào. Ngay cả ông Cummins cũng không nhận ra lời cảnh báo của mình có tính tiên tri đến mức nào.

“Tôi đã bị sốc. Tôi cảm thấy được minh oan, nhưng cũng có cảm giác tội lỗi vì đã không đưa ra thông điệp mạnh hơn. Nhìn lại, tôi đáng lẽ phải làm như vậy, nhưng tôi không biết điều đó sẽ xảy ra nhanh như vậy”, ông chia sẻ.

Trong khi thảm kịch xảy ra vào ngày 26-12-2004 đã chứng minh dự đoán của nhà địa chấn học Cummins là chính xác thì ông đã sai ở một khía cạnh: tâm chấn của trận động đất nằm ở phía bắc Sumatra, không phải ở trung tâm.

Năm 2003, ông Cummins và các đồng nghiệp tại Geoscience Australia (cơ quan Chính phủ Australia thực hiện nghiên cứu khoa học về địa chất), đã sử dụng mô phỏng máy tính dựa trên trận động đất dưới nước có cường độ từ 8,8 đến 9,2 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển miền Trung Sumatra vào năm 1833, gây ra một trận sóng thần lớn. Mô phỏng đó cho thấy tâm chấn của trận động đất nằm có thể gần các thành phố Bengkulu và Padang - cách tâm chấn của trận sóng thần năm 2004 khoảng 500km về phía Nam.

“Điều thực sự kỳ lạ là nó vẫn chưa xảy ra. Hai mươi năm đã trôi qua, tôi lo rằng mọi người đã trở nên chủ quan hơn, nhưng theo những gì chúng tôi biết, đó vẫn là địa điểm số 1 để một trận động đất lớn và sóng thần tái diễn”, ông Cummins nói.

Du khách đến bờ biển Padang chụp ảnh cùng với Ấn Độ Dương ở phía sau, địa điểm đang được coi là nơi rất có thể có nguy cơ xảy ra sóng thần

Trong khi đó, bà Rina Suryani Oktari, giáo sư tại Đại học Syiah Kuala ở Banda Aceh, cũng cho rằng, các cộng đồng ven biển ở phía Bắc Sumatra theo thời gian đã chủ quan hơn. Bà Oktari cho biết, giá đất rẻ đã thu hút nhiều người quay trở lại các khu vực ven biển có nguy cơ cao. Dân số hiện thậm chí còn cao hơn trước trận sóng thần năm 2004.

Về phần mình, Cummins cho rằng một trận sóng thần lớn mới có thể ập đến bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo. “Thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu các cộng đồng không được huấn luyện tốt”, chuyên gia cho biết.