Đức thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn người nhập cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tuần này, Đức đã công bố kế hoạch mở rộng kiểm soát toàn bộ biên giới trên bộ và từ chối nhiều người xin tị nạn hơn nhằm giảm tình trạng di cư bất hợp pháp, siết chặt hơn so với chính sách mở cửa trước đây.
Đức sẽ tăng cường kiểm tra tại biên giới với 9 nước láng giềng châu Âu

Đức sẽ tăng cường kiểm tra tại biên giới với 9 nước láng giềng châu Âu

Đức nằm ở trung tâm châu Âu, có biên giới trên bộ với 9 quốc gia. Hôm 9-9, Đức thông báo kế hoạch mở rộng kiểm soát toàn bộ biên giới trên bộ sẽ bắt đầu vào ngày 16-9 và bước đầu kéo dài 6 tháng. Ngày 10-9, Đức đã công bố các biện pháp nhằm thắt chặt việc thực hiện các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) về người tị nạn.

Cụ thể, du khách có thể phải chịu kiểm tra ngẫu nhiên nhiều hơn khi di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa hoặc xe buýt qua biên giới. Tuy nhiên, biện pháp này đã được áp dụng ở nhiều nơi khác tại châu Âu và Đức là quốc gia mới nhất tái áp dụng kiểm soát biên giới. Bất kỳ ai bị coi là nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức đều có thể bị từ chối nhập cảnh hoặc bị giam giữ. Cảnh sát có thể thực hiện việc này với sự trợ giúp của cơ sở dữ liệu dấu vân tay chung của châu Âu - Eurodac, cùng với các công cụ khác.

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi tình trạng di cư bất hợp pháp ngày càng gây căng thẳng cho các dịch vụ công, thì các kế hoạch này có khả năng cũng có động cơ chính trị và là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ủng hộ phe cực hữu đối lập và phe bảo thủ trước thềm các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và liên bang. Các cuộc thăm dò cho thấy, người di cư là mối quan tâm hàng đầu của cử tri tại tiểu bang Brandenburg ở miền Đông nước Đức, nơi sẽ tổ chức bầu cử trong 10 ngày nữa và đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đang đấu tranh để giữ quyền lực. Đầu tháng 9-2024, đảng Alternative for

Germany (AfD) với quan điểm chống di cư đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử cấp tiểu bang tại Thuringia. Trong khi, các vụ tấn công bằng dao chết người gần đây mà nghi phạm là người xin tị nạn đã làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề nhập cư ở Đức. Điển hình, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen khiến 3người thiệt mạng vào tháng 8.

Ông Marcus Engler tại Trung tâm Nghiên cứu Hội nhập và Di cư Đức cho biết: “Tôi không mong đợi sự kết thúc của Schengen nói chung, mà là một không gian tự do di chuyển ít chức năng hơn”. Giới phân tích cho rằng, kế hoạch này đánh dấu sự thụt lùi đối với quyền tự do đi lại trong Liên minh châu Âu, một trụ cột của dự án châu Âu và có thể gây căng thẳng cho sự thống nhất của khu vực. Một số quốc gia láng giềng cảm thấy thất vọng trước tin tức này, bởi họ có thể phải tiếp nhận thêm nhiều người xin tị nạn. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 10-9 đã kêu gọi tham vấn khẩn cấp với các quốc gia bị ảnh hưởng khác. Ông cho biết, điều Ba Lan cần không phải là kiểm soát chặt chẽ hơn đối với biên giới với Đức, mà là sự tham gia nhiều hơn từ Berlin và các nước khác trong việc bảo vệ biên giới bên ngoài của EU. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người từ lâu đã kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, hoan nghênh động thái này.

Theo Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA), EU đã nhận được hơn 1,14 triệu đơn xin tị nạn vào năm 2023, con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng người di cư năm 2016. Tuy nhiên, số đơn đã giảm trong những tháng gần đây và vào tháng 5 đã giảm 1/3 so với mức đỉnh điểm của mùa thu năm ngoái. Đức tiếp tục nhận được nhiều đơn xin tị nạn nhất, chiếm tỷ lệ 22%.

Mặc dù vậy, chính quyền Liên bang Đức vẫn cần thảo luận về kế hoạch giam giữ người xin tị nạn tại biên giới với 16 chính quyền khu vực của Đức, bởi các địa phương mới là bên trực tiếp thực hiện. Berlin cũng muốn tham khảo ý kiến của các đối tác châu Âu để có được sự hợp tác nếu muốn gửi trả người xin tị nạn. Tuy nhiên, họ có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới ngay lập tức, sau khi đã thông báo cho Ủy ban châu Âu về quyết định của mình.