Dù vắng bị hại, Tòa vẫn xét xử hacker Nhâm Hoàng Khang dựa trên căn cứ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Sáng nay, 14-9, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ hacker Nhâm Hoàng Khang (sinh năm 1987 tại TP.HCM) về tội cưỡng đoạt tài sản. Tại phiên xét xử, bị hại, nhân chứng vắng mặt. Vậy, theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những đối tượng này có buộc phải có mặt tại tòa?

Bị cáo Nhâm Hoàng Khang bị cáo buộc phạm tội theo điểm a khoản 3 Điều 170 BLHS về Tôi cưỡng đoạt tài sản với khung hình phạt từ 7-15 năm tù. Theo đại diện viện kiểm sát, sự vắng mặt của bị hại, nhân chứng không ảnh hưởng đến việc xét xử vì quá trình điều tra đã có lời khai đầy đủ nên phiên tòa vẫn diễn ra bình thường.

Lý giải sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án…

Bên cạnh đó, bị hại có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bị cáo Nhâm Hoàng Khang bị dẫn giải tới phiên xét xử

Bị cáo Nhâm Hoàng Khang bị dẫn giải tới phiên xét xử

Như vậy, theo quy định bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Song theo Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Từ phân tích trên có thể thấy, việc phiên xét xử có diễn ra hay không phụ thuộc vào ý chí, sự xem xét, cân nhắc của Hội đồng xét xử. Quy định này cho phép bị hại được phép vắng mặt tại Tòa và trường hợp vẫn muốn Tòa án tiến hành xét xử bình thường thì người bị hại phải làm đơn xin vắng mặt kèm theo yêu cầu, nguyện vọng của mình gửi cho Tòa án trước thời điểm mở phiên tòa.