Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai: Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương, điều được nhiều người quan tâm là ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, chế tài xử lý ra sao?

Theo báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân của vụ nổ lò hơi khiến 6 người thiệt mạng tại Công ty TNHH Bình Minh (ở ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được xác định là lỗi kỹ thuật của lò hơi.

Được biết, để phục vụ sản xuất, Công ty Bình Minh lắp đặt 1 nồi hơi dạng ống nước, công suất sinh hơi là 1.000 kg/giờ. Khi sử dụng, công ty phát hiện có trục trặc kỹ thuật nên đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa vào 30/4.

Đến sáng 1/5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ làm 6 người tử vong, nhiều người khác bị thương, nhà xưởng hư hỏng nặng. UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị lực lượng công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nổ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.

Cách đây không lâu, tại tỉnh Bắc Ninh cũng xảy ra vụ tai nạn nổ lò hơi tương tự. Vụ nổ tại trạm khí hóa than Công ty Cổ phần gạch ốp lát BNC (Khu công nghiệp Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã khiến 3 người tử vong và 6 người bị thương.

Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương
Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về trách nhiệm bồi thường, Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nêu rõ, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định nạn nhân trong vụ nổ lò hơi thuộc trường hợp tai nạn lao động thì dù lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.

Nếu lỗi thuộc về đơn vị cung cấp thiết bị không thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa kịp thời, đảm bảo sự an toàn của thiết bị khi vận hành thì đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn sẽ xác định mức bồi thường.

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%;

Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động, cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần, và từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Với người lao động tử vong, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-12 năm - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.