Từ vụ bắt Nhâm Hoàng Khang: Cưỡng đoạt tài sản có thể phải ngồi tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nhâm Hoàng Khang (SN 1987) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nhâm Hoàng Khang là một kỹ sư IT, được nhiều người quan tâm khi có liên quan đến loạt ồn ào xung quanh vụ việc CEO Nguyễn Phương Hằng "đại chiến" với các sao Việt. Đây cũng được cho là người hack tài khoản Facebook của Hoài Linh và tiết lộ vụ 14 tỉ từ thiện.

Theo thông tin ban đầu, Khang bị tình nghi đã xâm nhập dữ liệu mạng máy tính liên quan đến cờ bạc, sau đó tống tiền hàng trăm triệu đồng.

Nhâm Hoàng Khang vừa bị bắt giữ

Nhâm Hoàng Khang vừa bị bắt giữ

Liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản, Luật sư Hồng Vân Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 170 BLHS 2015 quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50- dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200- dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về các yếu tố cấu thành tội phạm, Luật sư Hồng Vân phân tích, mặt khách quan của tội này có hành vi đe dọa dùng vũ lực. Đó là hành vi của người phạm tội đe doạ sẽ thực hiện một hành động (hay đe doạ sẽ sử dụng sức mạnh vật chất) để gây thiệt hại cho người bị hại. Mục đích của việc đe doạ này là làm cho người bị hại sợ và giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra gắn liền với hành vi đe doạ nêu trên. Việc đe doạ được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể dung các hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác gây áp lực rất lớn về tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng những lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại mà người phạm tội biết được để đe doạ sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ…

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để (với mục đích) chiếm đoạt.

Về khách thể, hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.