Dòng chảy phương Bắc-2 bị dùng làm công cụ khống chế Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nord Stream-2 sẽ là đòn bẩy tiềm năng của Mỹ chống Nga tấn công Ukraine, còn Đức nghĩ ngược lại, dự án này sẽ là công cụ điều chỉnh hành vi của Moscow.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc - 2” (Nord Stream-2) kéo dài từ bờ biển Nga qua đáy biển Baltic đến Đức, bao gồm hai nhánh đường ống có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm.

Việc thi công và lắp đặt tuyến ống kéo dài ba năm và hoàn thành vào ngày 10/9/2021 và khí đốt kỹ thuật cũng đã được nạp đầy sẵn sàng chờ vận hành. Tuy nhiên, quá trình chứng nhận cấp phép cho công ty Nord Stream 2 AG (cổ đông duy nhất là Gazprom) với tư cách là nhà điều hành chính của đường ống đang gặp nhiều khó khăn do những quy định của EU.

Bàn về vấn đề này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết tại cuộc họp báo hôm 10/12 rằng, dự án xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc - 2” là đòn bẩy gây sức ép của phương Tây đối với Moscow, để Nga không có tấn công Ukraine.

Mỹ và châu Âu đang đưa những điều kiện chính trị vào dự án kinh tế Nord Stream 2
Mỹ và châu Âu đang đưa những điều kiện chính trị vào dự án kinh tế Nord Stream 2

Theo vị quan chức an ninh Mỹ, thực tế khí đốt hiện nay không đi qua tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc - 2” đồng nghĩa với việc đường ống đó không hoạt động, có nghĩa là nó không phải là đòn bẩy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin chống Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).

Ông Sullivan cũng cho rằng, số phận của “Dòng chảy phương Bắc - 2” gắn liền với tuyến đường ống trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sang châu Âu luôn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

“Chủ đề về tương lai của Nord Stream 2 trong bối cảnh Nga có khả năng xâm lược Ukraine vào những tuần tới là ưu tiên của chúng tôi” - vị quan chức Nhà Trắng cho biết.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland mới đây đã phát biểu tại một phiên điều trần ở Thượng viện rằng, Washington hy vọng dự án “Dòng chảy phương Bắc - 2” sẽ bị đình chỉ trong trường hợp Moscow có hành động xâm lược đối với Kiev.

Bà Nuland nói thêm rằng, Hoa Kỳ đã tham vấn với chính phủ mới của Đức mà việc thực hiện dự án phụ thuộc vào quan điểm của họ, kết quả cho thấy Berlin sẵn sàng thực hiện những hành động kiên quyết trong việc này.

Mặc dù đồng tình với ý tưởng chặn dòng khí của Nord Stream 2 khi Nga có những hành động gây bất lợi cho Ukraine và châu Âu, nhưng Đức có những góc nhìn khác biệt về vai trò của Dòng chảy phương Bắc 2.

Ngoại trưởng Đức vừa mãn nhiệm Heiko Maas từng nêu ý kiến rằng, chính việc từ chối “Dòng chảy phương Bắc-2” của Mỹ và Liên minh châu Âu mới là hành động sai lầm, tước đi đòn bẩy áp lực ngược của EU đối với Nga.

“Về nguyên tắc, những người đặt câu hỏi nghi ngờ về ‘mục đích xấu xa của Nga’ trong dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, cũng nên suy nghĩ về những hậu quả địa-chiến lược của điều này và thay đổi góc nhìn về khả năng gây ảnh hưởng ngược từ châu Âu đối với Nga” - ông nói.

Theo ông, nếu dự án được triển khai, châu Âu được giải được bài toán khát năng lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt đang tàn phá châu Âu thì Nga cũng nhận được những lợi ích tương tự. Khi cả hai bên cùng phụ thuộc lẫn nhau thì EU cũng có thể sử dụng chính dự án này để “điều chỉnh hành vi của Nga”.