- Moscow: NATO tập trận chống tên lửa đạn đạo là nhằm vào Nga
- Đức triển khai tàu ngầm U34 tham gia lực lượng thường trực NATO tại Baltic
- Nga tuyên bố đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO
Ngày 31-5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Antonov cho biết, Nga sẽ tiếp tục tự nguyện thông báo cho đối tác nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia NATO về hoạt động diễn tập và kiểm tra bất ngờ độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trên khắp lãnh thổ Nga.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế Đối thoại Shangri-la về an ninh châu Á lần thứ 14, tổ chức tại Singapore, ông Antonov nhấn mạnh rằng, đây là các hoạt động bình thường của quân đội Nga nhưng việc thông báo trước này là điều cần thiết, nhằm tránh những hiểu lầm không đáng có.
Ngoài ra, Thứ trưởng Antonov còn cam kết là thông qua kênh liên lạc với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga sẽ phổ biến lập tức các thông báo chính thức về quân số, khu vực tập trận và khối lượng thiết bị quân sự tham gia.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động như vậy để các quốc gia châu Âu và NATO tránh hiểu sai về hành động của Lực lượng vũ trang Nga, ngăn chặn sự phát sinh những tình huống khủng hoảng, hay những hiểu lầm không đáng có” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.
Thời gian qua, Nga liên tiếp tổ chức các cuộc diễn tập quân sự rất lớn
Trong thời gian qua, Nga và NATO đều tổ chức cuộc diễn tập quân sự rất lớn với hàng chục ngàn quân, hàng trăm phương tiện chiến đấu xe tăng, tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay ném bom… và liên tiếp cáo buộc lẫn nhau gây bất ổn trong khu vực.
Những hành động quân sự này đã gây ra những sự kiện có khả năng gây ra xung đột quân sự ngoài ý muốn.
Cuối năm 2014, các chuyên gia thuộc “Cộng đồng các nhà lãnh đạo Châu Âu vì giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương và không phổ biến hạt nhân” (European Leadership Network-ELN), đã đưa ra một báo cáo có nhan đề "Sự cân bằng nguy hiểm trên bờ vực chiến tranh".
Bản báo cáo công bố vào cuối năm 2014 cho biết, chỉ trong 8 tháng kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc nội chiến bùng phát ở đông nam Ukraine, các chuyên gia của họ đã thống kê khoảng 40 sự cố nguy hiểm tiềm tàng giữa Nga và các quốc gia NATO, trong đó có 11 vụ nghiêm trọng nhất.
Đặc biệt, các chuyên gia của ELN đã nêu lên 3 sự cố nghiêm trọng, có thể leo thang thành xung đột quân sự trực tiếp. Đó là sự cố máy bay gián điệp của Moscow, vụ lực lượng cảnh sát Nga bắt giữ nhân viên an ninh đặc biệt của Estonia, hay sự kiện tàu ngầm được cho là của Nga xâm nhập trái phép vào lãnh hải Thụy Điển.
Máy bay chiến đấu NATO thường xuyên bay lên ngăn chặn máy bay ném bom và máy bay trinh sát Nga
Ngoài ra còn có các vụ việc chiến đấu cơ NATO ngăn chặn máy bay ném bom và máy bay trinh sát Nga tuần tiễu tầm xa hay việc máy bay chiến đấu Nga dọa nạt tàu chiến Mỹ-NATO trên biển Đen, hoặc vụ Su-27 Nga đuổi máy bay trinh sát điện tử Boeing RC-135 của Mỹ phải xâm nhập trái phép không phận của Thụy Điển để chạy trốn…
Bởi vậy, ngày 19-5 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng, ông ủng hộ việc thiết lập đường dây liên lạc quân sự giữa khối này và Nga, cho phép đưa ra các dự đoán tốt hơn và tránh các vụ hiểu lầm không đáng có.
Trước đó, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin rằng NATO và Ban chỉ huy quân sự Nga duy trì một kênh liên lạc thường xuyên, chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO có quyền truy cập vào các cuộc đàm phán với đồng nghiệp Nga.
Tuy nhiên, giới truyền thông cũng cho rằng, trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, dẫn đến những căng thẳng trong quân hệ Nga-NATO, đường dây này đã không được duy trì thường xuyên và không phát huy được tác dụng của nó.