Đi điền dã, thưởng trà xứ Hương Sơn

ANTĐ - Trong thế giới mênh mông của trà, có một thứ trà từng đi vào văn thơ nhưng đang dần bị tuyệt chủng chỉ vì quá ít người biết đến. Thật may, trên đỉnh núi Cam Lồ, đất Hương Sơn vẫn tồn tại loài cây cho ra thứ trà tuyệt hảo đó - trà Hồng  Mai.

Đi điền dã, thưởng trà xứ Hương Sơn ảnh 1Trà Hồng Mai pha bằng “lão mai’ thỉnh từ đỉnh Cam Lồ

Nói và thưởng thức hết về trà của người Việt Nam thì có lẽ cả năm cả tháng cũng chưa xong và trong rất nhiều thứ cỏ cây hoa lá có thể pha thành trà, có một thứ trà mà nghe kể cứ như truyền thuyết -  đó là trà hồng mai.

Thứ trà tuyệt hảo này từng được các thi nhân thời xưa thưởng thức và ca ngợi. Nó được pha chế từ thân của 2 loại cây. Có một loài cây thân nhỏ, hoa giống hệt hoa mai nhưng màu đỏ nên được gọi là hồng mai. Người ta lấy thân cây này pha nước ra một thứ trà màu hồng sậm, thơm, thanh và lấy tên loài hoa này gọi tên trà Hồng Mai. Loài cây hoa thanh mảnh, đỏ đẹp này vẫn được trồng trong các chùa, trong các gia đình làm cảnh. Thế nhưng rất ít người dùng thân nó để pha trà Hồng Mai. Một ngày mùa thu tháng 10, trong chuyến điền dã xứ Hương Sơn, tôi vô tình bắt gặp loài cây này ngay trong vườn chùa Thiên Trù và may mắn gặp được người đang lưu giữ bí quyết trà Hồng Mai từ đỉnh Cam Lồ.

Đi điền dã, thưởng trà xứ Hương Sơn ảnh 2Tác giả và lương y Bùi Nam Hải

Ở chùa Hương, người dân ở đây không dùng cây hồng mai để pha trà mà dùng gốc mơ, gốc mai già đun nước uống. Bước chân lên núi, dọc đường là hàng quán mở ra với cơ man đặc sản Hương Sơn từ cá suối, cua suối, củ mài, chuối rừng luộc nhưng cũng không ai biết lấy gốc mơ già làm gì. Nhưng rồi, trên đường trở ra chúng tôi gặp được  người sở hữu một kho tàng về trà Hồng Mai pha từ gốc mai già, đó là lương y Bùi Nam Hải làm nghề bốc thuốc, viết thư pháp ven đường lên chùa Thiên Trù.

Ông Hải thường pha trà bày ngay bàn nước ven đường cho khách ngồi nghỉ chân uống miễn phí. Hỏi thăm ông rằng, nhà có gốc mơ già nào không thì ông trả lời: “Lão mai chứ”. Rồi chỉ mấy gốc mai còn nguyên cả bộ rễ như những chiếc sừng hươu và sảng khoái hỏi: “Cậu cũng biết trà Hồng Mai à? Ít người còn biết lắm”. Câu chuyện đẩy đưa, rồi vị lương y vào nhà lấy rựa chặt tặng một nhánh rễ “lão mai” có lẽ phải trên 50 năm. “Tặng anh nhánh này, về nhà thưởng trà làm thơ. Lão mai này được tôi lấy từ trên đỉnh Cam Lồ đất Hương Sơn này về đấy”. Nhặt những mẩu gỗ văng ra từ nhát chém cây rựa, một ấm trà Hồng Mai đã được chiêu ngay lập tức. Thứ nước màu hổ phách, vị thanh đậm, khi uống vào mới thấy ngọt ở miệng và họng, dân gian gọi đó là ngọt hậu.

Câu chuyện về trà Hồng Mai ở chùa Hương không chỉ dừng lại ở đó. Ông Bùi Nam Hải cho biết thêm, giá trị của trà Hồng Mai ở chỗ đây là thuốc “đòn” vô cùng hiệu nghiệm dành cho người tập võ bị chấn thương. Dùng trà Hồng Mai chữa đòn còn hiệu nghiệm hơn cả “trúc lịch” lấy từ thân cây tre tươi. Trà Hồng Mai ở Hương Sơn pha từ thân cây mai già hoặc mơ già. Cây mai già phải trên 50 năm gọi là “lão mai” mới cho nước thơm ngon. Khi pha chặt khúc ngắn rồi chẻ thành dăm nhỏ, nước sôi già pha ủ sẽ cho thứ trà màu hồm sậm như hổ phách, nước thanh đậm. Chia tay “dị nhân” và mang theo khúc “lão mai” với lời hẹn ước sẽ trở lại đàm đạo vào một đêm trăng, thưởng trà Hồng Mai và biểu diễn bài quyền “lão mai quyền” một trong 10 bài võ cổ truyền của Việt Nam. Vui vì thứ trà tuyệt hảo của cha ông để lại vẫn có người đang duy trì .