Đăng Dương từng phải "ém" việc học hát, thập thò ngoài cửa nghe giảng "trộm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù rất “máu” ca hát nhưng Đăng Dương phải chọn học đàn bầu khi mới chập chững vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
NSND Quang Thọ và NSƯT Đăng Dương

NSND Quang Thọ và NSƯT Đăng Dương

Theo chia sẻ của NSND Quang Thọ thì năm 1986 Đăng Dương từ quê nhà Hải Dương khăn gói lên Hà Nội để thi vào Nhạc viện Hà Nội, khi đó anh mới chỉ là cậu bé 13 tuổi, chưa đủ tuổi để thi vào khoa thanh nhạc mà chỉ có thể chọn thi vào khoa nhạc cụ. Lúc bấy giờ, Đăng Dương không chọn học violin vì không thích, còn học đàn piano thì tay đã cứng rồi nên khó. Do vậy, anh chọn học vào khoa nhạc cụ dân tộc, theo NSND Thanh Tâm học đàn bầu.

Quãng thời gian theo học lớp sơ cấp đàn bầu, Đăng Dương vẫn tranh thủ “hóng” các anh chị học thanh nhạc. Nhớ lại, NSND Quang Thọ kể, ngày ấy ông cứ thấy có một cậu bé thập thò ngoài cửa phòng dạy của mình ở Nhạc viện. Sau mới nghe người đồng nghiệp của mình – NSND Thanh Tâm cho hay đó là học trò của cô, rất ham học, thích ca hát nhưng chưa đến tuổi học thanh nhạc nên đang phải học đàn bầu.

Đến khi trưởng thành, vỡ giọng và đủ tuổi để học thanh nhạc, Đăng Dương liền chuyển sang học hát. Thời đó, thủ tục chuyển từ bộ môn này sang theo học bộ môn khác cũng khá đơn giản, không cần phải thi nên anh được NSND Quang Thọ nhận vào học luôn. Theo học “thầy Thọ” được 4 năm, đến năm thứ 5 thì Đăng Dương vượt qua cửa ải đầu tiên là từ sơ cấp lên trung cấp thanh nhạc, được cử đi tham dự cuộc thi hát thính phòng đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và giành giải nhất ở bảng dành cho đối tượng thi là sinh viên.

Đúng vào lúc ấy, NSND Trung Kiên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL về Nhạc viện để tìm học trò dạy hát với yêu cầu: “chỉ nhận duy nhất 1 học sinh giọng tenor”. Hay tin, nghệ sĩ Diệu Thúy – Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc khi đó nói vui: “thôi ông Thọ nhả Đăng Dương ra”. Biết khả năng và hoài bão của Đăng Dương, NSND Quang Thọ đồng ý “nhường” anh sang học thầy Trung Kiên, chắp cánh để tài năng của cậu học trò “ruột” có cơ hội được bay cao và bay xa hơn.

Đến giờ Đăng Dương đã có 30 năm gắn bó với con đường ca hát chuyên nghiệp, được phong tặng danh hiệu NSƯT và trở thành một trong những giọng ca đẹp của dòng nhạc “đỏ” Việt Nam. Tới đây, anh sẽ tổ chức liveshow “Tổ quốc gọi tên mình” vào tối 26-8-2023 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Liveshow có sự giúp sức của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ Dương Cầm, cùng với đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ trẻ như: ca sĩ Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, nhóm nhạc Oplus, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh…

Chia sẻ về chương trình có ý nghĩa đặc biệt này, Đăng Dương cho biết, đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp ca hát, mà còn khẳng định một hướng đi mà anh đã và đang theo đuổi: lan tỏa tình yêu nhạc đỏ đến những thế hệ kế cận và làm tươi mới, tạo nên sức sống mới cho dòng nhạc mà anh dành trọn đam mê.

Ngay khi danh sách khách mời được tiết lộ, nhiều người ngạc nhiên vì không có tên Trọng Tấn, Việt Hoàn bởi “tam ca nhạc đỏ” luôn được nhắc tới cùng nhau. Lý giải về điều này, Đăng Dương cho biết, lần này, anh lựa chọn đồng hành với những người trẻ hơn mình vì xem đây là cách để truyền “lửa” đến thế hệ kế cận, qua đó những ca khúc Cách mạng sẽ tiếp tục được gìn giữ và lan toả.

Cũng theo Đăng Dương, liveshow sẽ có khoảng 30 bài hát, dù nhiều người khá ngạc nhiên về số lượng bài nhiềunhư vậy song với anh thì “như thế vẫn là ít” vì anh chỉ muốn hát thật nhiều, tận hiến cho khán giả những thanh âm, ca từ đẹp nhất của nhạc đỏ. Chị Kim Xuyến, người vợ và cũng là người trợ lý, quản lý của anh tiết lộ: “Anh Đăng Dương rất mê hát, được hát với anh đã là một hạnh phúc rồi! Thế nên, anh rất háo hức chờ đến liveshow, bây giờ đã ngày đêm tập luyện để sẵn sàng cho đêm diễn”.

NSƯT Đăng Dương chọn hợp tác với các nghệ sĩ trẻ trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát

NSƯT Đăng Dương chọn hợp tác với các nghệ sĩ trẻ trong liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát

Liveshow “Tổ Quốc gọi tên mình” của Đăng Dương bao gồm 3 chương. Những ca khúc trong chương trình đều do chính anh chọn lựa và biên tập. Đây đều là những ca khúc mà theo anh là rất hay và điển hình của dòng nhạc Cách mạng. Tên gọi “Tổ Quốc gọi tên mình” của chương trình xuất phát từ kỷ niệm đặc biệt và thiêng liêng của Đăng Dương khi được đến Trường Sa. Đến giờ, anh vẫn còn nguyên xúc cảm tự hào khi được dự khánh thành lá cờ gốm ở đảo Trường Sa lớn. Dù nhiều năm qua đi, nhưng cảm xúc ấy vẫn luôn vẹn nguyên và tươi mới trong trái tim của Đăng Dương, nó khiến anh luôn xúc động khi hát lên “Tổ Quốc gọi tên mình”.

“Phải nói, khi đặt chân lên Trường Sa, là cảm xúc thiêng liêng, tự hào vô cùng. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm thía rằng mỗi chiến sĩ đã phải trải bao vất vả thậm chí hy sinh máu xương của mình để bảo vệ từng dặm biển đảo. Mình là nghệ sĩ, chỉ biết cống hiến bằng tiếng hát để ngợi ca quê hương, đất nước, biến nó thành vũ khí tinh thần. Từ cảm xúc ấy, tôi quyết định lấy tên liveshow là ‘Tổ Quốc gọi tên mình’,, cũng như một lời tri ân đến các thế hệ cha anh, những người chiến sĩ đã và đang dành cuộc đời mình để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Đồng thời, tôi cũng mong những gì tôi đang làm sẽ như lời hiệu triệu đến thế hệ trẻ, hãy luôn lắng nghe lời Tổ quốc gọi để sống và làm việc, cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay”- Đăng Dương tâm sự.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa liveshow mới diễn ra song đại diện VietArt - đơn vị tổ chức liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của Đăng Dương xác nhận, vé xem đêm diễn này đã hết sạch, thậm chí vé ngoài "chợ đen" còn cao hơn cả giá vé xem nhóm nhạc BlackPink của Hàn Quốc khi sang Việt Nam biểu diễn.