Thông tin Ukraine đứng trước cơ hội tiếp nhận máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II huyền thoại của Mỹ với biệt danh "sát thủ diệt tăng" đã lan truyền mạnh mẽ trong vài ngày qua và thu hút rất nhiều bình luận.
Nhưng cần lưu ý rằng trong cách diễn giải của Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Brown và Bộ trưởng Không quân Frank Kendall trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh Aspen, mọi việc đang dừng ở mức "có thể".
Các nhà báo đặt câu hỏi liên quan đến việc không lực Mỹ cho ngừng hoạt động của 21 máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II trong năm tài chính 2023 (bắt đầu từ ngày 1/10) và về khả năng chúng được chuyển giao cho Ukraine, nhưng câu trả lời vẫn chỉ ở mức "đang thảo luận".
Mặc dù vậy, giới truyền thông vẫn đánh giá rất cao khả năng Không quân Ukraine sẽ nhận những chiếc A-10 đã qua sử dụng từ Mỹ, bởi đã có những cuộc tiếp xúc giữa Washington và Kyiv, đi kèm việc đào tạo phi công.
Việc cung cấp A-10 Thunderbolt II liên quan đến việc chuyển giao máy bay chiến đấu phương Tây cho Ukraine, điều mà chỉ vài tháng trước, không hề được các bên thảo luận..
Nhưng liệu chiếc máy bay cường kích nói trên có hữu ích đối với Không quân Ukraine trong điều kiện hiện tại hay không, và liệu việc chuyển giao chúng có phải là ưu tiên số một của Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi.
Trước hết, cần nhớ rằng cường kích A-10 được Mỹ tạo ra cho cuộc chiến với Liên Xô, trong điều kiện xung đột toàn diện, tính đến nay cỗ máy đặc biệt này đã có tuổi đời nửa thế kỷ.
Do khả năng sống sót đặc biệt, dễ bảo trì, chi phí hoạt động thấp và hiệu quả, chiến đấu này vẫn được Quân đội Mỹ tin dùng và thậm chí các quan chức quốc phòng không có kế hoạch loại biên nó ít nhất là cho đến những năm 2040.
A-10 thành danh trong chiến dịch "Bão táp sa mạc", nơi chúng tiêu diệt được 900 xe tăng, 1.200 hệ thống pháo và 2.000 phương tiện khác, đồng thời cũng chứng tỏ khả năng sẵn sàng hoạt động cao nhất ở mức hơn 90%, vượt quá khả năng của các loại khác.
Nhưng chiến công của A-10 bắt nguồn từ việc Mỹ cùng đồng minh đã giành được ưu thế hoàn toàn trên không và đánh tê liệt hệ thống phòng không của Iraq trong những ngày đầu tiên. Để làm được điều đó, hơn 2150 máy bay đã tham gia vào chiến dịch.
Nhưng hiện tại Ukraine không thể đảm bảo môi trường như vậy, các máy bay A-10 nếu được Mỹ cung cấp sẽ buộc phải hoạt động trong điều kiện khác hẳn và đối diện với rất nhiều hiểm nguy.
Niềm tin vào sự thành công của A-10 dựa trên điểm tựa đó là các phi công Su-25 Ukraine đang bay trên bầu trời mỗi ngày, họ thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chiến đấu, bất chấp việc phải đối diện tiêm kích và hệ thống phòng không của Nga.
Đồng thời, A-10 có một lợi thế lớn so với Su-25 của Liên Xô là nó có đầy đủ kho vũ khí chính xác cao. Tiêu biểu là tên lửa chống tăng AGM-65 Maverick có tầm bay khoảng 30 km và hiệu ứng "bắn - quên", cũng như bom JDAM có độ chính xác cao.
Tuy nhiên nếu chúng ta phân tích một cách khách quan, trong tình huống mà Ukraine phải đối mặt, cường kích A-10 khó lòng, thậm chí không thể lập nên chiến công như tại vùng Vịnh.
Lý do bởi vì đây là một cỗ máy đặc biệt, chỉ nên "bung ra" trong điều kiện kiểm soát hoàn toàn bầu trời, nếu viện trợ A-10 thì trước đó Mỹ cần nghĩ đến việc cung cấp cho Không quân Ukraine cá tiêm kích chiếm ưu thế trên không.
Còn nếu để cường kích A-10 Thunderbolt II đơn độc ra trận, viễn cảnh nó bị bắn rơi với số lượng lớn như những gì đang xảy ra với chiếc Su-25 là điều có thể dự đoán trước.