Chiến hạm tàng hình tối tân nhất của Nga hết phụ thuộc Ukraine và... Hàn Quốc

ANTD.VN - Khinh hạm Dự án 22350 của Nga đã thoát cảnh phụ thuộc động cơ Ukraine và vi điện tử do Hàn Quốc sản xuất.

Truyền thông Nga cho biết, trong tương lai gần, Hạm đội phương Bắc của hải quân nước này dự kiến sẽ được tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa tàng hình thứ ba thuộc Dự án 22350 lớp Đô đốc Gorshkov.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov - Dự án 22350 được thiết kế bởi Severnoye Design Bureau, Saint Petersburg là chiến hạm mạnh nhất được đóng cho Hải quân Nga thời kỳ hậu Liên Xô.

Dàn vũ khí của Đô đốc Gorshkov bao gồm 1 hải pháo A-192M cỡ 130 mm; 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng dùng để bắn tên lửa chống hạm/ chống ngầm/ tấn công mặt đất họ Kalibr.

Ngoài ra trên tàu còn có 4 cụm 8 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa phòng không tầm trung 9M96/9M100 của hệ thống Redut-Polyment; 2 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không cao tốc Palash; 6 ngư lôi chống ngầm 324 mm và 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm.

Hệ thống điện tử của tàu rất đồ sộ đối với chiến hạm 4.000 tấn, gồm radar tìm kiếm trên không Furke 4; radar tìm kiếm bề mặt 34K1 Monolit; radar hỏa lực 5P-10 Puma dùng để điều khiển khẩu pháo A-192; hệ thống sonar Zarya M đi kèm với sonar kéo Vinyetka.

Theo đánh giá từ trang NertEase của Trung Quốc, sự kiện tiếp nhận khinh hạm Dự án 22350 thứ ba có tầm quan trọng lớn, sẽ trở thành biểu tượng của việc Hải quân Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.

“Con tàu dẫn đầu của Dự án 22350 - Đô đốc Gorshkov hạ thủy vào năm 2010. Tuy nhiên do một loạt vấn đề, việc bàn giao nó cho Hải quân Nga chỉ diễn ra vào năm 2018. Sau đó ít lâu con tàu thứ hai mới đi vào hoạt động”, trang NetEase nhắc lại.

Báo chí Trung Quốc đã tập trung sự chú ý đến thực tế là trong quá trình chế tạo khinh hạm Dự án 22350, hàng loạt điểm yếu lớn của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Nga đã được bộc lộ.

Rất ngạc nhiên khi Nga chưa thể sản xuất đầy đủ những thiết bị quan trọng lắp đặt trên tàu chiến của mình, chúng phải được nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là từ Ukraine và Hàn Quốc.

Nhưng sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, hợp tác quân sự Nga - Ukraine đã bị đình chỉ. Lệnh trừng phạt đã được Kiev áp đặt đối với Moskva, kết quả là họ mất quyền tiếp cận động cơ.

Hơn nữa các nước phương Tây còn gây áp lực lên Hàn Quốc - quốc gia cung cấp các thành phần cần thiết cho radar mảng pha chủ động như vi mạch điện tử vốn được sử dụng trên các tàu thuộc Dự án 22350.

Nhận thấy vấn đề nói trên, Nga bắt đầu lên kế hoạch giải quyết những vướng mắc và thu về những kết quả ấn tượng.

Đầu tiên, việc sản xuất động cơ được xúc tiến, ngoài ra một số hoạt động đáng kể đã được đầu tư vào việc phát triển vi điện tử, điều này đã giúp Nga giảm đáng kể sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.

“Trước thực tế trên, hiện tại Nga đã có thể tiếp tục đóng các khinh hạm Dự án 22350”, trang NetEase của Trung Quốc nhận xét.

Việc giải quyết vấn đề với động cơ Ukraine cũng như giảm sự phụ thuộc vào vi điện tử nước ngoài đã có tác dụng rất lớn đối với các dự án đóng tàu khác của Hải quân Nga.

Moskva đang đứng trước cơ hội đưa vào sử dụng nhiều tàu mặt nước mới, điều này cho thấy kết thúc của giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngành đòng tàu quân sự nước này.