Các nhà phân tích đến từ trang Sohu của Trung Quốc nhận thấy trong lời nói của Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitri Peskov về chiếc vali đen của Nga có chứa một thông điệp gửi tới phương Tây.
Vào hôm 19/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một bước quan trọng - ông đích thân chỉ huy cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược. Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, chính Tổng tư lệnh tối cao sẽ ra lệnh phóng tên lửa trong cuộc diễn tập.
Các nhà phân tích của tờ Sohu đánh giá: “Cái gọi là cuộc tập trận răn đe chiến lược vừa tiến hành thực ra là một bài kiểm tra toàn diện đối với lực lượng tấn công hạt nhân của Nga".
Trên thực tế, bộ ba hạt nhân của Nga đều được huy động tham gia vào cuộc diễn tập. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng Lực lượng Hàng không vũ trụ, Quân khu phía Nam, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Biển Đen đều góp mặt.
Đây là một chiến dịch lớn được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ huy, giám sát, do vậy có tầm quan trọng đặc biệt.
“Các cuộc tập trận, kiểm tra huấn luyện như vậy, tất nhiên không thể vắng mặt nguyên thủ quốc gia. Bạn biết về chiếc vali màu đen nổi tiếng, chiếc nút màu đỏ và những thứ tương tự”, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov nói.
Tờ Sohu tin rằng cần chú ý đến những từ khóa đặc biệt như “chiếc vali đen” và “nút đỏ”, được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Người phát ngôn Điện Kremlin. “Peskov dường như đang ám chỉ điều gì đó”, các nhà phân tích Trung Quốc bị thuyết phục.
Theo họ, phương Tây càng tích cực đổ lỗi cho Nga và cố gắng trấn áp nước này thì Moskva sẽ càng thường xuyên phô diễn sức mạnh quân sự của mình, đặc biệt là năng lực răn đe hạt nhân.
Rõ ràng cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược chính là một tín hiệu cho phương Tây rằng, nếu lần này Nga cũng không được đáp ứng các yêu cầu an ninh thì họ sẽ buộc phải đáp trả, kể cả thông qua biện pháp quân sự.
“Với cuộc tập trận này, Tổng thống Putin dường như muốn nói với phương Tây: Đừng coi thường nước Nga, Moskva sở hữu lực lượng hạt nhân hùng mạnh và không thiếu biện pháp đáp trả. Đây là cách ngăn chặn của ông Putin”, các nhà phân tích của Sohu dự đoán.
Tuy vậy theo giới phân tích quốc tế, việc Nga sử dụng lực lượng hạt nhân chiến lược của mình một cách quá tích cực trong thời gian gần đây rất dễ mang tới tác dụng ngược lại cho chính họ.
Cần nhắc lại khi Liên xô tan rã, Nga đã thuyết phục được Ukraine giao toàn bộ vũ khí hạt nhân cho mình với lời cam kết đảm bảo toàn vẹn chủ quyền cho quốc gia láng giềng, nhưng thực chất với những gì diễn ra, Ukraine rõ ràng đang hối hận.
Chính quyền Ukraine nhiều lần đề cập tới việc tái trang bị vũ khí hạt nhân như "Biện pháp bảo hiểm", họ chưa triển khai vì trông đợi vào sự hỗ trợ từ phương Tây trước sức ép ngày càng lớn của Nga.
Nhưng nếu Nga quyết tâm dùng con bài hạt nhân để mặc cả, không loại trừ viễn cảnh Mỹ và NATO sẽ nhắm mắt làm ngơ, hay thậm chí âm thầm hỗ trợ Ukraine xây dựng lại tiềm lực hạt nhân.
Khi đó Moskva sẽ phải đối diện viễn cảnh còn đáng sợ hơn nhiều việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương kết nạp Ukraine làm thành viên chính thức.